Dịch thuật: "Ngũ xích đồng tử" và "tam thốn thiệt"

 

"NGŨ XÍCH ĐỒNG TỬ" VÀ "TAM THỐN THIỆT"

          Thời cổ gọi nhi đồng là “ngũ xích đồng tử” 五尺童子 (xem Mạnh Tử 孟子). Dùng “ngũ xích” 五尺 (5 thước) để hình dung đứa bé, xem là bình quân chiều cao của thân thể. Trường độ ngũ xích của đời sau, ước chừng hợp với 1. 67m, rất khó để nghĩ rằng nhi đồng thời cổ lại cao đến như vậy. Hoá ra, trường độ của xích thời đó, 1 xích ước chừng hợp với 23cm, 5 xích chẳng qua là khoảng 1.15m (hiện tại tàu hoả, xe hơi theo giá vé quy định, miễn vé cho nhi đồng cao khoảng 1,2m), xem ra thân cao của nhi đồng xưa nay hoàn toàn không có gì khác.

          Trường độ về thước tấc của Trung Quốc, là thượng cổ ngắn, sau đần dài ra. Có thể xem bản biểu dưới đây, có thể hiểu được đại khái. (Tư liệu bản biểu đến từ “Trung Quốc cổ đại độ lượng hành đồ tập” 中国古代度量衡图集)

Thời đại

 

Xích

Trường độ (cm)

Thương

Nha xích 牙尺

15.78

Chiến Quốc 战国

Đồng xích 铜尺

23.1

Tây Hán 西汉

Trúc xích 竹尺

23.6

Ngô

Đồng xích 铜尺

23.5

Nam Triều 南朝

Đồng xích 铜尺

25.0

Bắc Nguỵ 北魏

Đồng xích 铜尺

30.9

Đường

Đồng xích 铜尺

29.71

Bắc Tống 北宋

Mộc xích 木尺

31.7

Minh

Nha xích 牙尺

35.8

Thanh

Mộc xích 木尺

34.18

Thanh

Đồng xích 铜尺

29.37

          Hồ Thuyên 胡铨 – danh thần Bắc Tống trong Mậu Ngọ thướng Cao Tông phong sự 戊午上高宗封事 nói rằng:

Tam xích đồng tử, chí vô thức dã. (1)

三尺铜子, 至无识也

(Đứa bé ba xích, không có kiến thức)

         “Ngũ xích đồng tử” 五尺铜子 của thời cổ ở đây đổi thành “tam xích đồng tử” 三尺童子 (1), có phải là ngẫu nhiên không? Không phải. Thời Tống, 1 xích ước khoảng 31.7cm, xích đã dài ra, đương nhiên không thể nói “ngũ xích đồng tử”. Đem 5 xích đổi thành 3 xích, đó chỉ là cách nói đại khái, nhưng, dùng độ dài của xích được phát hiện dưới lòng đất để tính, thì 3 xích ở đời Tống hợp với 1.15m, hoàn toàn tương đương với 5 xích thời cổ.

          Trong sách cổ có cách nói “tam thốn thiệt” 三寸舌 (ba tấc lưỡi), “tam thốn kim liên” 三寸金莲 (gót sen ba tấc), tuy đều là “tam thốn” 三寸, nhưng độ dài thực tế lại khác nhau. Trong Sử kí – Lưu Hầu thế gia 史记 - 刘侯世家 có nói:

Kim dĩ tam thốn thiệt vi đế giả sư

今以三寸舌为帝者师

(Nay lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương)

        Lấy tiêu chuẩn trường độ của thời Tần Hán để tính, thì “tam thốn” ước khoảng 7cm. Thời cổ có khái niệm, cho rằng lưỡi dài thì giỏi về ăn nói. Đàn ông lưỡi dài thì tốt, đàn bà lưỡi dài thì không tốt. Trong Thi kinh – Đại nhã – Chiêm úc 诗经 - 大雅 - 瞻卬có câu:

Phụ hữu trường thiệt

Duy lệ chi giai

妇有长舌

维厉之阶

(Phụ nữ mà lưỡi dài

Là nấc thang đi đến tai hoạ)

Về sau dùng “trường thiệt phụ” 长舌妇 đa phần để chỉ phụ nữ lắm lời, đây là sự phản ánh khái niệm si lầm trọng nam khinh nữ.

Còn tục bó chân, bắt đầu vào thời Ngũ Đại, thịnh hành vào thời Tống Minh. “Tam thốn kim liên” dùng để hình dung bàn chân nhỏ của phụ nữ. “Tam thốn” ở đây, tính theo theo thước tấc từ thời Tống về sau, ước khoảng 10cm. Chỉ có kết hợp sự biến hoá trường độ thước tấc cổ đại, mới có thể lĩnh ngộ được sự khéo léo của cách tạo ngữ. Nếu đem “tam thốn thiệt” của thời cổ , tính theo độ dài của ngày nay, thì hợp với 10cm, thế thì lưỡi không có cách nào chuyền động, nói gì đến việc khéo ăn khéo nói.

“Thiệt” (lưỡi), là khí quan phát âm của con người, có mối quan hệ mật thiết với ngôn ngữ. Trong văn tự cổ, chữ “thiệt” giống như đầu lưỡi thè ra khỏi miệng. Ngược lại, khi nói thì “thiệt” lại có thể chỉ thay ngôn ngữ. Thành ngữ “Nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy” 一言既出, 驷马难追, cũng có thể nói thành “Tứ bất cập ngôn” 驷不及言. Dùng ngôn ngữ để tiến hành biện luận gọi là “thiệt chiến” 舌战, thầy giáo giảng bài truyền thụ kiến thức, gọi là “thiệt canh” 舌耕, khéo ăn nói gọi là “xảo thiệt” 巧舌, ngôn từ vụng về gọi là “bản thiệt” 笨舌, bắt chước người khác nói năng gọi là “học thiệt” 学舌. “Thiệt” trong những thành ngữ:

- Thần thương thiệt kiếm 唇枪舌剑: miệng lưỡi sắc bén

- Bổn khẩu chuyết thiệt 笨口拙舌: ăn nói vụng về,

- Trương khẩu kết thiệt 张口结舌: miệng đơ lưỡi líu,

- Đường mục kết thiệt” 瞠目结舌: giương mắt há miệng

 - Bần chuỷ bạc thiệt 贫嘴薄舌: chanh chua lắm điều

 - Dao thần cổ thiệt 摇唇鼓舌: khua môi múa mép

 - Thiệt tệ nhĩ lung舌敝耳聋: người nói lưỡi rát, người nghe tai điếc

đều là chỉ (dùng lưỡi để) nói năng.

Cuối cùng chúng ta trở lại vấn đề chính: “Xích thốn” 尺寸 (thước tấc) thời cổ so với đời sau ngắn hơn. Nếu truy ngược đến đời Thương, 1 xích chỉ mới hợp với 15.78cm, nhân đó người xưa dùng từ “trượng phu” 丈夫 để chỉ đàn ông. Đàn ông thông thường cao hơn phụ nữ, cho nên từ chiều cao của thân thể mà gọi đàn ông. Từ đó, từ “trượng phu” 丈夫 được lưu truyền, mọi người sớm đã không từ chiều cao của thân thể để lí giải: nhân vì đời sau 1 trượng hợp với 3.3m, trên thế giới làm gì có người khổng lồ như thế.

Chú của người dịch

1- Năm 1138, nước Kim phái sứ giả đến triều đình Nam Tống để “nghị hoà”, hi vọng triều đình Nam Tống sẽ cúi đầu xưng thần. Tần Cối tích cực cổ xuý tiếp nhận điều kiện của người Kim. Quân sự phán quan Phủ Châu 抚州là Hồ Thuyên 胡铨dâng thư lên, ra sức phản đối đầu hàng. Ông nói rằng:

          Phù tam xích đồng tử chí vô thức dã, chỉ khuyển thỉ nhi sử chi bái, tắc phí nhiên nộ.

          夫三尺童子至无识也, 指犬豕而使之拜, 则怫然怒.

          (Phàm là đứa bé cao ba xích tuy không có kiến thức, chỉ vào chó heo mà bảo nó vái lạy thì nó cũng nổi cơn giận dữ)

          Tần Cối 秦桧 gán tội cho Hồ Thuyên rồi giáng chức xử lí.

https://baike.baidu.com/item/%E4%B8%89%E5%B0%BA%E7%AB%A5%E5%AD%90/6962936

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 09/8/2022

Nguồn

HÁN NGỮ HÁN TỰ VĂN HOÁ THƯỜNG ĐÀM

汉语汉字文化常谈

Tác giả: Tào Tiên Trạc 曹先擢

Thương vụ ấn thư quán Quốc Tế hữu hạn công ti

Trung Quốc – Bắc kinh 2015

Previous Post Next Post