CHÀNG VƯƠNG DẪU MẠC BAO GIỜ CHO NÊN (302)
Chàng Vương: Tức
Vương Duy 王维, thi nhân thời Đường.
Vương Duy 王维 (năm 701 – năm 761) tự Ma Cật 摩诘, người Bồ Châu 蒲州 (nay là huyện Vĩnh Tế 永济 tỉnh Sơn Tây 山西). Đậu Tiến sĩ năm Khai Nguyên 开元thứ 9 (năm 721). Làm quan đến chức Thượng thư hữu thừa 尚书右丞. Vương Duy từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng của người mẹ, tinh thông Phật
pháp. Danh và tự của ông là từ Duy Ma Cật cư sĩ 维摩诘居士(1)trong Duy Ma Cật kinh 维摩诘经.
Thành tựu về thi ca của Vương Duy ở nhiều phương diện, bất
luận là thơ biên tái, thơ sơn thuỷ hay luật thi, tuyệt cú … đều là những giai
tác lưu truyền nhân khẩu. Vương Duy lại là bậc đại sư nổi tiếng về hội hoạ. Tô
Thức 苏轼 nói về ông là “Thi trung hữu hoạ, hoạ trung hữu
thi” 诗中有画 画中有诗. Quả thực Vương Duy về phương
diện miêu tả cảnh vật tự nhiên, có được thành tựu độc đáo. Bất luận là sự hùng
vĩ tráng lệ của danh sơn đại xuyên, hay là sự hoang vắng lạnh lẽo nơi biên tái,
sự điềm tĩnh của dòng nước chảy nơi cầu nhỏ, tất cả đều chuẩn xác, tạo ra một
cách tinh luyện hình tượng tươi sáng hoàn mĩ không gì sánh bằng, dùng mực không
nhiều nhưng ý cảnh cao xa, thi ý và hoạ ý hoàn toàn dung hợp thành một chỉnh thể.
Một bộ phận thi tác của ông đã đạt đến cảnh giới không linh “niêm hoa vi tiếu” 拈花微笑, tức cảnh giới tối cao của thiền, nhân đó mà Vương Duy còn được
xưng là “Thi Phật” 诗佛.
(Nguồn: Đường thi tam bách thủ 唐诗三百首 - Nhiếp Xảo Bình 聂巧平chú dịch. Vũ Hán: Sùng Văn thư cục, 2003)
Mạc: Viết hay vẽ
phỏng theo bản chính. Mạc chữ. Mạc tranh.
(Theo Từ điển tiếng Việt: Hoàng phê chủ biên. NXB Đà Nẵng, 2002)
Càng nhìn nét bút càng ưa
Chàng Vương dẫu mạc bao giờ cho nên
(Bích Câu kì ngộ: 301 - 302)
Chú của người dịch
1- Duy Ma Cật 维摩诘: còn có biệt xưng là Duy Ma La Cật 维摩罗诘, Tì Ma La Cật 毗摩罗诘, Duy Ma Cật cư sĩ 维摩诘居士, giản xưng là Duy Ma cư sĩ 维摩居士, dịch ý là Tịnh Danh 净名, Vô Cấu Xưng 无垢称. Trong nguyên tác in là Duy Ma Thác Xa Cật cư sĩ 维摩托车诘居士. Có lẽ máy nhảy chữ nhầm chăng, vì từ “ma thác xa” 摩托车 trong Trung văn thường đi liền với nhau có nghĩa là “xe moto”?
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 22/8/2022