Dịch thuật: Xưng vị của hoàng tộc thời cổ ở Trung Quốc

 

XƯNG VỊ CỦA HOÀNG TỘC THỜI CỔ Ở TRUNG QUỐC

- Hoàng đế 皇帝: Năm 221 trước công nguyên, Tần Vương Doanh Chính 嬴政sau khi thống nhất sáu nước, tự cho rằng “đức kiêm Tam Hoàng, công cao Ngũ Đế” 德兼三皇功高五帝, xưng “Thuỷ hoàng đế” 始皇帝. Từ đó, quân chủ phong kiến các triều đều xưng hoàng đế.

- Vạn tuế 万岁: Đại danh từ chỉ hoàng đế, có thuyết cho là từ thường sử dụng khi tại triều chúc mừng vị quân chủ. Lâu ngày, trở thành tôn xưng của hoàng đế.

- Thiên tử 天子: Thời cổ, từ tôn xưng đối với quân vương. Đời Hạ, đời Thương, đời Chu chính hiệu của thiên tử là Vương , như Chu Vũ Vương 周周武王 tức có thể xưng thiên tử. Từ đời Tần Hán cho tới đời Thanh, thiên tử chỉ hoàng đế.

- Hoàng hậu 皇后: Chính thê của hoàng đế xưng hoàng hậu, từ đời Tần Hán về sau, các đời đều xưng như thế.

- Thái thượng hoàng 太上皇: Đế vương tôn xưng phụ thân của mình là thái thượng hoàng. Hoàng đế các đời truyền vị cho thái tử, đồng thời tự xưng thái thượng hoàng. Phụ thân của thiên tử tham dự quốc chính, xưng thái thượng hoàng.

- Hoàng thái hậu 皇太后: Mẫu thân của hoàng đế xưng là hoàng thái hậu. sau thời Tần Hán, các đời đều theo đó.

- Hoàng thái tử 皇太子: Người kế thừa do hoàng đế chỉ định, nhìn chung là đích trưởng tử của hoàng đế. Đời Thanh sau thời Ung Chính 雍正 không lập hoàng thái tử, nhìn chung xưng trưởng tử dự định kế thừa quân vị là “thái tử” 太子.

- Quý tần 贵嫔: Xưng hiệu của phi tần. thời Hán Nguyên Đế 汉元帝 bắt đầu thiết lập, nguyên là cấp đầu tiên trong phi tần. Từ thời Nguỵ Tấn đến thời Minh đều thiết lập, nhưng địa vị đã xuống thấp.

- Chiêu nghi 昭仪: Xưng hiệu của phi tần. Đời Nguỵ Văn Đế 魏文帝 thời Tam Quốc bắt đầu thiết lập, chỉ sau hoàng hậu, thời Tấn và thời Nam Bắc Triều đa phần đều thiết lập.

- Tài nhân 才人: Xưng hiệu của phi tần. Bắt đầu thiết lập vào thời Tấn Vũ Đế 晋武帝, từ thời Nam Bắc Triều đến thời Minh từng thiết lập. Theo chế độ triều Đường, tài nhân lúc đầu là chánh ngũ phẩm trong cung. Sau là Chánh tứ phẩm. 

- Quý phi 贵妃: Xưng hiệu của phi tần. Đời Tống Vũ Đế 宋武帝 thời Nam Triều bắt đầu thiết lập, vị thứ sau hoàng hậu. Từ đời Tuỳ đến đời Thanh đều thiết lập.

- Thất tử 七子: Tên gọi nữ quan, vị thứ dưới Mĩ nhân 美人, Lương nhân 良人, trên Trưởng sử 长使, Thiếu sử 少使.

- Lương nhân 良人: Xưng hiệu của phi tần thời Tây Hán.

- Mĩ nhân 美人: Xưng hiệu của phi tần.

- Quý nhân 贵人: Xưng hiệu của phi tần. Thời Đông Hán vị thứ sau hoàng hậu, đời Thanh Quý phi đã giáng xuống dưới phi tần.

- Nhụ tử 孺子: Tên gọi phi tần của thái tử, thái tử có Phi , Lương đễ 良娣, Nhụ tử 孺子 tổng cộng 3 cấp. Ngoài ra, thiếp của quý tộc cổ đại cũng xưng là Nhụ tử.

- Thái tôn 太孙: Trưởng tôn của hoàng đế xưng là thái tôn. Vương triều các đời thường sai khi thái tử mất sách lập thái tôn làm người dự định kế thừa hoàng vị.

- Công chủ (chúa) 公主: Xưng hiệu của con gái đế vương. Bắt đầu thừ thời Chiến Quốc, chế độ nhà Hán quy định, con gái của hoàng đế xưng công chủ (chúa) 公主, em gái của hoàng đế xưng trưởng công chủ (chúa) 长公主, cô của hoàng đế xưng đại trưởng công chủ (chúa) 大长公主. Các đời sau đại để đều theo.

- Ông chủ (chúa) 翁主: Chế độ nhà Hán, con gái của chư vương xưng ông chủ  翁主 (chúa), tức quận chủ (chúa) 郡主 sau này.

- Phụ (phò) mã 驸马: Rể của hoàng đế xưng phụ (phò) mã 驸马, không phải thực quan. Đời Thanh xưng “ngạch phụ (phò) 额驸. 

- Đế cơ 帝姬: Từ xưng hô đối với con gái của hoàng đế, chị em gái của hoàng đế, cô mẫu của hoàng đế.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 25/7/2022

Nguồn

BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

不可不知的 3.000 个文化常识

Biên soạn: Tinh Hán 星汉

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post