Dịch thuật: Hạc xung thiên (Liễu Vĩnh)

 

HẠC XUNG THIÊN  

鹤冲天

Hoàng kim bảng thượng,            黄金榜上

Ngẫu thất long đầu vọng.         偶失龙头望

Minh đại tạm di hiền,             明代暂遗贤

Như hà hướng?                      如何向

Vị toại phong vân tiện,           未遂风云便

Tranh bất tứ du cuồng đãng.     争不恣游狂荡

Hà tu luận đắc táng.              何修论得丧

Tài tử từ nhân,                     才子词人

Tự hữu bạch y khanh tướng.     自有白衣卿相

Yên hoa hạng mạch,               烟花巷陌

Y ước đan thanh bình chướng.   依约丹青屏障

Hạnh hữu ý trung nhân,          幸有意中人

Kham tầm phỏng.                   堪寻访

Thả nhẫm ôi hồng ỷ thuý,        且恁偎红倚翠

Phong lưu sự,                       风流事

Bình sinh sướng.                     平生畅

Thanh xuân đô nhất hướng.         青春都一饷

Nhẫn bả phù danh,                  忍把浮名

Hoán liễu thiển châm đê xướng.    换了浅斟低唱

Trên bảng vàng,

Rồng chưa trổi dậy.

Đời thịnh hiền tài sót đấy,

Biết về đâu?

Chưa toại với gió mây

Sao chẳng ngao du phóng túng.

Cần gì bàn được mất,

Tài tử từ nhân

Tuy bạch y nhưng khanh tướng.

Yên hoa khắp chốn,

Sau bức bình phong.

May được ý trung nhân,

Đáng để theo tìm.

Chỉ cần nương hồng tựa biếc,

Trải phong lưu,

Một đời thoả thích

Thanh xuân qua trong phút chốc.

Thà đem phù danh,

Đổi lấy chén rượu câu ca.

                                                                         (Liễu Vĩnh 柳永)

Liễu Vĩnh 柳永: Tự Kỳ Khanh 耆卿, lúc đầu có tên là Tam Biến 三变, người Sùng An 崇安, Phúc Kiến 福建. Năm sinh và năm mất không thể khảo cứu, đại khái sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10, mất vào khoảng giữa thế kỷ thứ 11. Nhân vì hành vi phóng đãng, thích làm diễm từ, nên chưa thể sớm nhập quan trường, mãi đến năm Cảnh Hựu 景祐 nguyên niên đời Nhân Tông 仁宗 (năm 1034) mới thi đỗ Tiến sĩ, sau giữ chức Đồn điền Viên ngoại lang 屯田员外郎 một chức quan nhỏ nên người đời gọi ông là Liễu Đồn Điền 柳屯田. Liễu Vĩnh là một người mê đắm cuộc sống đô hội, truy cầu hưởng lạc. Trong con người ông không có lý tưởng cao xa gì, cũng không có dự tính làm một việc gì, đúng là điển hình của một lãng nhân đô hội. Nhân sinh quan lãng mạn cùng cuộc sống sa đoạ của ông đã dung hợp thành một, vì thế xướng lâu kỹ viện trở thành chốn quay về của tâm thân ông, hương tửu, vũ ảnh, ca lãng, huyền thanh trở thành lương thực của ông, tất cả những thứ này chính là bầu sữa cho tác phẩm văn học của Liễu Vĩnh. Và cũng nhân vì suốt đời phóng đãng, cùng sầu chán nản, kết quả là khi mất chẳng có được gì, những kỹ nữ tương hợp với ông đã góp tiền mai táng, tình cảnh ấy thật đáng thương.

          (Theo Lưu Đại Kiệt 刘大杰: Trung Quốc văn học phát triển sử 中国国文艺发展史. Thiên Tân: Bách Hoa Văn Nghệ xuất bản xã, 2007)

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 20/7/2022

Previous Post Next Post