Dịch thuật: Đèn thông khêu cạn, giấc hoè chưa nên (162) (Bích Câu kì ngộ)

 

ĐÈN THÔNG KHÊU CẠN, GIẤC HOÈ CHƯA NÊN (162) 

           Giấc hoè: cũng gọi là giấc Nam Kha.

          Theo Nam Kha Thái thú truyện 南柯太守传 của Lí Công Tá 李公佐, đời Đường có thuật một câu chuyện:

         Thuần Vu Phần 淳于棼 nằm mộng thấy đến nước Đại Hoè An 大槐安, cưới được công chúa, đồng thời làm Thái thú quận Nam Kha 南柯, hưởng mọi vinh hoa phú quý. Về sau xuất chinh bị bại trận, công chúa cũng qua đời, quốc vương đối với ông sinh lòng nghi kị, khiển trách đuổi về. Sau khi tỉnh dậy mới biết đó chỉ là một giấc mộng. Hoá ra nước Đại Hoè An là một tổ kiến dưới gốc một cây hoè lớn ở sân nhà, quận Nam Kha tức một cành hoè ở phía nam của cây.

          (“Thành ngữ đại từ điển”: Bắc Kinh . Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ti, 2004)

          “Giấc hoè”, “giấc Nam Kha” hoặc thành ngữ “Nam Kha nhất mộng” 南柯一梦 dùng để ví vinh hoa phú quý ở đời chẳng qua chỉ là một giấc mộng. Cũng có khi dùng để ví giấc ngủ. hoặc giấc mơ.

          Giấc hoè ở câu 162 này chỉ giấc ngủ.

Lần trăng ngơ ngẩn ra về

Đèn thông khêu cạn, giấc hoè chưa nên

(Bích Câu kì ngộ: 161 - 162)

Bóng trăng vừa xế cành ngô

Giấc hoè dìu dịu, chăn cù êm êm

(Bích Câu kì ngộ: 277 - 278)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 27/7/2022

Previous Post Next Post