CÁ CHÌM MẶT NƯỚC, NHẠN SA LƯNG TRỜI (98)
Trong Trang Tử - Tề vật luận
庄子 - 齐物论 có đoạn:
Mao Tường, Lệ Cơ,
nhân chi sở mĩ dã; ngư kiến chi thâm nhập, điểu kiến chi cao phi, mi lộc kiến
chi khoái sậu, tứ giả thục tri thiên hạ chi chính sắc tai?
毛嫱, 丽姬, 人之所美也; 鱼见之深入, 鸟见之高飞, 麋鹿见之决骤, 四者孰知天下之正色哉?
(Mao Tường và Lệ Cơ mọi người đều cho là đẹp; nhưng cá nhìn
thấy lặn xuống đáy sâu, chim nhìn thấy bay lên trời cao, hươu nai nhìn thấy bỏ
chạy thật nhanh. Với loài khỉ vượn, hươu nai, lươn chạch, quan điểm thẩm mĩ của
con người đối với bốn loài động vật này thì loại nào là tiêu chuẩn cho cái đẹp?)
Trung Quốc cổ đại có bốn đại mĩ nữ được xếp theo thứ tự là Tây Thi
西施, Vương Chiêu Quân 王昭君, Điêu Thiền 貂蝉và Dương Ngọc Hoàn杨玉环. Bốn đại mĩ nữ này được được
người đời gọi là: “Bế nguyệt Tu hoa chi mạo, Trầm ngư Lạc nhạn chi dung” 闭月羞花之貌, 沉鱼落雁之容. Bế nguyệt chỉ Điêu Thiền, Tu hoa chỉ Dương Quý Phi, Trầm ngư chỉ
Tây Thi và Lạc nhạn chỉ Vương Chiêu Quân.
Bế nguyệt 闭月: Thời Tam Quốc, con gái của Tư
đồ Vương Doãn 王允lúc bái nguyệt ở hậu hoa viên, bỗng một cơn gió nhẹ thổi đến, một
đám mây che khuất ánh trăng. Vương Doãn trông thấy, khen Điêu Thiền đẹp, đẹp
hơn cả mặt trăng, mặt trăng phải nấp sau đám mây. Nhân đó, Điêu Thiền được mọi
người xưng là “Bế nguyệt”.
Tu hoa 羞花: Dương Ngọc Hoàn dung mạo xinh
đẹp được tuyển vào cung, mà trong lòng luôn nhớ đến quê nhà. Ngày nọ, Dương Ngọc
Hoàn đến hoa viên ngắm hoa, nhìn thấy mẫu đơn, nguyệt quý nở rộ, nghĩ đến thân phận buồn thảm của mình
trong cung, không ngăn nỗi cảm thán. Dương Ngọc Hoàn sờ đến một bông hoa, cánh
hoa liền cụp lại, lá xanh cũng cuộn lại. Không ngờ rằng đó là loại hoa mắc cỡ.
Một cung nữ trông thấy, khen rằng Dương Ngọc Hoàn so với hoa, hoa còn phải xấu
hổ cúi đầu.
Trầm ngư 沉鱼: Thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước
Triệu có một cô gái giặt lụa tên Tây Thi, dung mạo đoan trang, mặt đẹp như hoa.
Khi Tây Thi giặt lụa bên khe suối, trong làn nước trong phản chiếu bóng của Tây
Thi, khiến nàng càng thêm xinh đẹp. Đàn cá nhìn thấy bóng của nàng, quên cả bơi,
dần dần chìm xuống đáy. Từ đó, đại xưng “trầm ngư” chỉ Tây Thi được lưu truyền
khắp vùng.
Lạc nhạn 落雁: Thời Hán Nguyên Đến 汉元帝, nam bắc giao tranh, biên cương không được yên ổn. Để vỗ yên bắc
Hung nô, Hán Nguyên Đế gả Chiêu Quân cho Thiền Vu 单于kết nhân duyên để hai nước được vĩnh viễn hoà bình. Một ngày mùa
thu, Chiêu Quân từ biệt quê nhà lên đường đi lên phương bắc. Trên đường đi lòng
buồn khôn xiết, Chiêu Quân ngồi trên lưng ngựa lấy đàn tấu lên khúc biệt li bi
tráng. Chim nhạn đang bay về phương nam nghe được tiếng đàn, nhìn thấy cô gái
xinh đẹp ngồi trên lưng ngựa, chúng quên cả vỗ cánh liền rơi xuống đất. Từ đó,
Chiêu Quân có đại xưng là “lạc nhạn”.
Mỉa chiều nét ngọc làn hoa
Cá chìm mặt nước, nhạn sa lưng
trời
(Bích Câu kì ngộ: 97 - 98)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 02/7/2022
Chia sẻ