Dịch thuật: Nhan Chân Khanh bái sư

 

NHAN CHÂN KHANH BÁI SƯ

          Nhan Chân Khanh 颜真卿 là chính trị gia, thư pháp gia nổi tiếng thời Đường. Ông sáng lập khải thư “Nhan thể” 颜体, tự thể đầy đặn hùng hồn, kết thể rộng rãi khoán đạt lẫm nhiên, cốt lực mạnh mẽ mà khí khái, cùng với Triệu Mạnh Phủ 赵孟頫, Liễu Công Quyền 柳公权, Âu Dương Tuân 欧阳询gọi chung là “khải thư tứ đại gia” 楷书四大家. Lại cùng với Liễu Công Quyền xưng là “Nhan Liễu” 颜柳.

         Nhan Chân Khanh 颜真卿là một trong những thư pháp gia nổi danh nhất của triều Đường. Đông thời, ông còn là vị quan lớn của triều đình.

          Lúc đầu, Nhan Chân Khanh đến một huyện nọ làm quan huyện, nhưng ông luôn nghĩ đến việc đọc sách viết chữ, đặc biệt là đối với thư pháp càng không thể bỏ. Cho dù bận rất nhiều việc, mỗi ngày ông luôn để dành thời gian luyện chữ.

          Qua một năm, Nhan Chân Khanh nghe người ta nói Thảo thánh Trương Húc 张旭 trú tại nhà một người bạn ở Lạc Dương 洛阳, Nhan Chân Khanh liền từ quan, đến Lạc Dương cầu kiến Trương Húc, muốn học tập thư pháp.

          Ngày nọ, Nhan Chân Khanh đến thành Lạc Dương, không chờ đợi bố trí chỗ ở ổn thoả, ông đã đem những kiểu chữ mà thường luyện viết đi bái kiến Trương Húc. Gặp lúc Trương Húc uống rượu say, nằm trên ghế ngủ, Nhan Chân Khanh đành phải kiên nhẫn đợi. Đợi rồi đợi nữa, đợi cả buổi Trương Húc mới tỉnh dậy. Trương Húc lập tức tiến lên hành lễ, nói rõ ý đồ, dâng lên bút tích thư pháp của mình, xin Trương Húc chỉ giáo, còn muốn bái ông làm thầy.

          Trương Húc sau khi nhìn qua thư pháp của Nhân Chân Khanh, liền nói:

          - Chữ của ông viết rất đẹp, không cần phải bái ta làm thầy. Ông lại là rường cột của đất nước sau này, sao lại tốn nhiều thời gian để viết chữ vậy?

          Nhan Chân Khanh thành khẩn nói rằng:

          - Trò đã rõ ý của thầy, thầy sợ trò không có hằng tâm học thư pháp, cho nên không muốn thu nhận trò làm học sinh ngay lập tức. Thế thì, giờ trò về trước, sau này sẽ đến tìm thầy.

          Nói xong, Nhan Chân Khanh cáo từ Trương Húc ra về. Về sau, triều đình lại phái ông ta đến Trường An 长安làm quan, nhưng Nhân Chân Khanh trước sau vẫn nghĩ đến việc học thư pháp. Chẳng bao lâu, ông lại từ việc quan, một lần nữa đến Lạc Dương thỉnh giáo Trương Húc. Trương Húc thấy thái độ vô cùng thành khẩn của Nhan Chân Khanh, liền đem phương pháp viết chữ mà trước giờ không dễ dàng truyền thụ cho ai nói cho ông biết.

          Sau này, khải thư và thảo thư của Nhan Chân Khanh đều hình thành một phong cách độc đáo riêng biệt. Mọi người gọi chữ của ông là “Nhan thể” 颜体. Đối với sự chỉ dạy của Trương Húc, Nhan Chân Khanh vô cùng cảm kích, ông viết ra thiên “Trương Trưởng sử thập nhị ý bút pháp kí” 张长史十二意笔法记, ghi chép quá trình học thư pháp với Trương Húc, đồng thời đem những bí quyết về thư pháp của Trương Húc nói cho người khác biết mà không lưu giữ lại chút nào.

Phụ lục

          Nhan Chân Khanh 颜真卿 lúc nhỏ nhà rất nghèo, mua không nổi giấy bút, thế là ông liền dùng bút chấm bùn vàng viết lên tường luyện chữ. Ban đầu Nhan Chân Khanh học thư pháp của Chử Toại Lương 褚遂良, sau bái Trương Húc 张旭 làm thầy, hi vọng dưới sự chỉ điểm của vị danh danh sư này, sẽ nhanh chóng học được bí quyết viết chữ. Nhưng sau khi bái sư, Trương Húc không thấu lộ bí quyết thư pháp. Ông rất sốt ruột, thỉnh cầu thầy chỉ điểm. Cuối cùng Trương Húc nghiêm túc nói rằng:

          - Học thư pháp, nếu nói có “bí quyết” gì, thì đó chính là chuyên cần khổ luyện.

          Lời chỉ dạy của thầy, khiến Nhan Chân Khanh được gợi mở. Từ đó, ông từ quan, bền bỉ siêng năng khổ luyện, chuyên tâm nghiên cứu, cuối cùng trở thành người đứng đầu của “tứ đại thư pháp gia”.

                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                        Quy Nhơn 10/6/2022

Nguyên tác Trung văn

NHAN CHÂN KHANH BÁI SƯ

颜真卿拜师

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 5)

中国历史故事

Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐

Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015

Previous Post Next Post