Dịch thuật: Hoàng đế Trung Quốc (tiếp theo)

 

HOÀNG ĐẾ TRUNG QUỐC

(tiếp theo) 

2- Tài năng kém tố chất bình thường, có một số thậm chí chính là xuẩn tài và sát nhân ma vương. Loại hoàng đế này không nhiều, về cơ bản đều là người kế vị. Họ “sinh ra nơi thâm cung, lớn lên trong tay phụ nữ”, cẩm y ngọc thực, sống trong giàu sang nhung lụa, bản tính nhu nhược, hèn yếu, không thông dân tình thế sự, thậm chí về sinh lí và tâm lí có chỗ khiếm khuyết nghiêm trọng. Để những người như vậy xử lí đại sự quốc gia, hậu quả có thể tưởng ra mà biết. Nếu họ tàn bạo, quân dân đều sẽ không may, nếu họ hèn yếu, họ sẽ thành bù nhìn. Như Đông Ngô Tôn Hạo 孙皜, Lưu Tử Nghiệp 刘子业thời Nam Triều, Tiêu Bảo Quyển 萧宝卷 cùng Cao Dương 高洋, Cao Trạm 高湛 Bắc Tề, Thạch Hổ 石虎Hậu Triệu, Phù Sinh 苻生Tiền Tần, Hoàn Nhan Lượng 完颜亮 đời Kim … đều có thể nói là sát nhân ma vương. Thủ đoạn tàn khốc của họ khiến người ta phải kinh sợ. Còn có một số hoàng đế phóng túng thanh sắc, kết quả vì túng dục mà chết sớm, không có người nối tiếp. Hán Thành Đế Lưu Ngao 刘骜, Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu 朱厚照đều thuộc loại này. Lại có một số hoàng đế không màng chính sự, hoặc đánh cầu, hoặc đánh bạc đá gà, hoặc tại trong cung bày sạp tiến hành giao dịch, Minh Hi Tông Chu Do Hiệu 朱由校 thì chìm đắm trong nghề mộc, cả ngày chế tạo mô hình đình đài lầu gác, chính sự giao cho hoạn quan Nguỵ Trung Hiền魏忠贤. Có thể nói là không thiếu cái lạ.

3- Hoàng đế ấu nhi và hoàng đế si ngốc, căn bản không thể nói có tố chất gì. Theo thống kê, từ đời Hán về sau, gọi là hoàng đế ấu nhi của vương triều chính thống có 29 người, tuổi lên ngôi từ lúc sinh ra 100 ngày đến 7, 8 tuổi. Những hoàng đế ấu nhi này đương nhiên là không thể xử lí chính sự, phải do mẫu hậu, ngoại thích hoặc quyền thần căn cứ vào nhu cầu chính trị của mình mà nhiếp chính, coi hoàng đế ấu nhi như một món đồ chơi trong tay, thậm chí thay thế luôn. Nếu mẫu hậu lâm triều xưng chế, do bởi trẻ tuổi góa bụa sẽ dẫn đến sự dâm loạn trong cung, gây ra chính trị hắc ám. Hồ thái hậu 胡太后 của Bắc Nguỵ là một ví dụ nổi bật nhất. Từ Hi thái hậu 慈禧太后 sở dĩ có thể thống trị 48 năm, chính là nhân vì lập hai người đều là ấu chúa. Còn như hoàng đế si ngốc, trừ Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung 司马衷còn có Tấn An Đế Tư Mã Đức Tông 司马德宗, ông ta “tuy nóng lạnh đổi thay, mà không phân biệt được”, si ngốc đến mức không phân biệt nổi xuân hạ thu đông thì làm sao có thể trị lí quốc gia.

4- Một số đế vương có tài năng kiệt xuất khác, như có tài nói về văn học nghệ thuật. Tống Huy Tông Triệu Cát 赵佶 được xem là một, là một thư hoạ gia kiệt xuất, trình độ nghệ thuật của ông rất cao, ông sáng lập hoạ viện quốc gia sớm nhất của Trung Quốc, sáng tác cả ngàn sách hoa điểu hoạ, thư pháp “sấu kim thể” 瘦金体 của ông đặc biệt riêng. Tác phẩm từ của Nam Đường Hậu Chủ Lí Dục 李煜, được các đời truyền tụng, thiên cổ bất hủ. Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch 萧绎năng thư thiện hoạ, sở trường làm văn, nghiên cứu học thuật, trứ tác rất nhiều. Ông từng tự phê bình rằng: “Ngã thao vu văn sĩ, quý vu vũ phu” 我韬于文士愧于武夫 (ta tài như văn sĩ nhưng thẹn với vũ phu). Nhưng cả ba người này về phương diện trị quốc, một khiếu cũng không thông, cuối cùng trở thành “vong quốc chi quân” 亡国之君. Nguỵ Văn Đế Tào Phi 曹丕 cùng với Đường Huyền Tông Lí Long Cơ 李隆基 không phải là “vong quốc chi quân”, Tào Phi là văn học gia kiệt xuất, cùng phụ thân là Tào Tháo 曹操, em là Tào Thực 曹植cùng được xưng là “Tam Tào” 三曹 trong lịch sử văn học Trung Quốc. Đường Huyền Tông hăng hái lo toan trị nước, sáng tạo “Khai Nguyên thịnh thế” 开元盛世, cá nhân đối với âm nhạc hí khúc cũng vô cùng tinh thông, sáng biện ra Lê viên 梨园 -  học hiệu hí khúc cung đình, trở thành ông tổ của hí khúc Trung Quốc.

          Trừ hoàng đế người thống trị tối cao, trong cơ cấu thống trị tối cao của vương triều phong kiến Trung Quốc, vây quanh hoàng đế có ba quần thể chính trị lớn, cũng xưng là thế lực chính trị:

          Một là “Tể tướng” 宰相 đứng đầu bách quan, có trị quyền, bôn tẩu ngoài triều là nhân viên chân chính quản lí quốc gia.

          Hai là hoàng thất nhân thân tổ thành ngoại thích, họ hưởng đặc quyền tôn quý vinh dự, nhưng không có trị quyền, trừ phi được hoàng đế nhậm mệnh một chức quan nhất định, trở thành một trong bách quan.

          Ba là nam tính hậu cung phục vụ hoàng đế cùng gia quyến hoàng đế, xưng là “hoạn quan” 宦官, họ thuộc về gia nô bị khu xử, càng không có trị quyền.

Nhưng, hoàng đế cần sự bảo hộ hoàng quyền, thường ép bên này đề cao bên kia, dùng bên này bỏ bên kia. Điều đó đã gây nên sự phân tranh triều chính và cục diện loạn lạc, rối rắm phức tạp trong lịch sử Trung Quốc, thậm chí nguy đến vận mệnh của vương triều.   (hết)

                                                                           Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 09/6/2022

Nguyên tác Trung văn

TRUNG QUỐC HOÀNG ĐẾ

中国皇帝

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017

Previous Post Next Post