Dịch thuật: Hoàng đế Trung Quốc

 

HOÀNG ĐẾ TRUNG QUỐC

          “Hoàng đế” 皇帝là một quần thể có quyền lực tối cao trong lịch sử Trung Quốc. Họ chí tôn chí quý, chí cao vô thượng, nắm quyền sinh sát, tuỳ theo ý mình, đủ thấy quần thể này phi phàm khó sánh. Nghĩa gốc của “hoàng” là “đại” , ý nói là “hoàng hoàng thịnh mĩ” 煌煌盛美; “đế” là “đức tượng thiên địa” 德象天地, ý nói “năng hành thiên đạo” 能行天道. Nhân đó, gọi người khai phá văn minh Trung Quốc thời cổ là “Tam Hoàng Ngũ Đế” 三皇五帝. Năm 221 trước công nguyên, quốc vương Doanh Chính 嬴政của nước Tần tiêu diệt 6 nước, kiến lập vương triều Tần. Ông thống nhất văn tự, thống nhất hoá tệ, thống nhất đo lường, thực hiện “quận huyện chế” 郡县制, tự cho rằng “đức kiêm Tam

Hoàng, công cao Ngũ Đế” 德兼三皇, 功高五帝, đem hai từ xưng hô tối cao là  “hoàng” và “đế” kết hợp lại, đổi “quốc vương” 国王 sang “hoàng đế” 皇帝, ông chính là Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 nổi tiếng – vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Từ đó, “hoàng đế” trở thành xưng hiệu của kẻ thống trị tối cao trong xã hội phong kiến Trung Quốc, thời gian kéo dài đến hơn 2000 năm. Sau Tần Thuỷ Hoàng, Trung Quốc tổng cộng có bao nhiêu hoàng đế? thống kê chính xác không phải là một việc dễ. Căn cứ vào tư liệu tham khảo đã có mà sơ bộ thống kê, trừ Trần Hữu Lượng 陈友谅, Lí Tự Thành 李自成, Trương Hiến Trung 张献忠, Ngô Tam Quế 吴三桂, cha con Thái Bình Thiên Quốc Hồng Tú Toàn 洪秀全, Viên Thế Khải 袁世凯ra, các đời trong lịch sử Trung Quốc có 349 vị hoàng đế chính thống các thức các dạng. Quần thể hoàng đế này có 2 đặc điểm như sau:

          Thứ nhất, hoàng đế xuất thân từ gia đình quý tộc là đa số, hoàng đế xuất thân từ cơ tầng bình dân là thiểu số. Lưu Bang 刘邦 được xem là vị hoàng đế xuất thân cơ tầng. Hoàng đế nhà Hậu Triệu Thạch Lặc 石勒 thời kì Thập Lục Quốc, sớm nhất là nô lệ tộc Yết bị đem bán. Hoàng đế khai quốc triều Minh Chu Nguyên Chương 朱元璋, lúc đầu là một vị hoà thượng nghèo khổ, hai người này từ bước đầu đến hoàng vị đều chỉ mất thời gian 16 năm.

          Thứ hai, hoàng đế có sổ tịch phương bắc (bao gồm Hán tộc và dân tộc thiểu số) là đa số, hoàng đế có sổ tịch phương nam là thiểu số. Đó là do bởi phương bắc, đặc biệt là khu vực Hán tộc ở lưu vực Hoàng hà khai phá tương đối sớm, trình độ phát triển kinh tế và văn hoá tương đối cao; kính tế của gia đình quý tộc cùng sự tích luỹ văn hoá lại tương đối có bề dày và phong phú, nhân đó từ xưa lập quốc và kiến đô đều chọn nơi đây; còn dân tộc thiểu số ở biên cương phía bắc theo cách sống du mục, giỏi cưỡi ngựa bắn tên, kiêu dũng thiện chiến, có sức chiến đấu, cũng dễ dàng tiến xuống phương nam giành lấy quyền thống trị.

          Hoàng đế là kẻ thống trị tối cao của vương triều phong kiến Trung Quốc, có quyền lực tối cao, thống lĩnh thiên hạ, độc đoán càn khôn, thế thì tố chất của bản thân hoàng đế cùng với vận mệnh của vương triều, cuộc sống của bách tính có mối tương quan mật thiết. Còn tố chất hoàng đế lại cùng với hoàn cảnh sống, sự giáo dục nhận được có tương quan mật thiết, lại thêm bỉnh tính của mỗi hoàng đế, tố chất của họ quả thật là muôn hình vạn trạng, quyền lực thực tế lớn nhỏ cùng với kết cục cuối cùng của mỗi người cũng có sự khác nhau.

          Nhìn chung, hoàng đế Trung Quốc có thể phân làm mấy loại:

1- Nhân tài kiệt xuất chân chính, thậm chí có thể xưng là “hùng tài”. Loại đế vương này rất ít, nhìn chung thuộc vị quân chủ khai quốc, kế vị cũng có. Hoàng đế khai quốc xuất hiện lúc loạn thế, kì vọng khuông chính xã tắc, thế là giơ tay hô lên một tiếng, dựng cờ khởi nghĩa, cầm ba thước kiếm ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ. Lưu Bang 刘邦, Lưu Tú 刘秀, Chu Nguyên Chương 朱元璋, Thạch Lặc 石勒 mà chúng ta biết rõ thuộc loại này. Điểm mạnh nhất của Lưu Bang là giỏi dùng người, có thể phát huy tài cán của thuộc hạ. Cho nên, ông ta khi tổng kết bí quyết thành công của mình nói rằng:

          Phù vận trù duy ác chi trung, quyết thắng thiên lí chi ngoại, ngô bất như Tử Phòng; trấn quốc gia, phủ bách tính, cấp hướng quỹ, bất tuyệt lương đạo, ngô bất như Tiêu Hà; liên bách vạn chi chúng, chiến tất thắng, công tất thủ, ngô bất như Hàn Tín. Tam giả giai nhân kiệt, ngô năng dụng chi, thử ngô sở dĩ thủ thiên hạ giả dã.

          夫运筹帷幄之中, 决胜千里之外, 吾不如子房; 镇国家, 抚百姓, 给饷馈, 不绝粮道, 吾不如萧何; 连百万之众, 战必胜, 攻必取, 吾不如韩信. 三者皆人杰, 吾能用之, 此吾所以取天下者也.

          (Phàm tính toán nơi màn trướng mà giành được thắng lợi ngoài ngàn dặm, thì ta chẳng bằng Tử Phòng; trấn giữ quốc gia, vỗ yên bách tính, cung cấp quân lương, khổng để đứt đường vận chuyển lương thực, thì ta chẳng bằng Tiêu Hà; thống lĩnh trăm vạn quân, đánh là thắng, công là được, thì ta chẳng bằng Hàn Tín. Ba người đó đều là nhân kiệt, ta có thể nhậm dụng họ, đó chính là nguyên nhân căn bản mà ta có được thiên hạ)

          Chu Nguyên Chương có tài năng quân sự trác việt. tuy lúc nhỏ nghèo khó, nhưng thích đọc sách, nghiên cứu lịch sử, cố gắng không biết mệt, từ một người mù chữ trở thành người thông kinh sử, có thể tự mình thảo các loại văn thư.

          Hoàng đế Thạch Lặc nhà Hậu Triệu, cũng là người không biết chữ, nhưng trong những lúc rảnh khi hành quân đánh trận, nhờ người đọc sử cho mình, thường nêu vấn đề, phát biểu kiến giải. Từ “sử học” 史学 của Trung Quốc, chính là do ông ta sáng tạo ra. Ông trọng dụng phần tử tri thức Hán tộc, lại còn khiêm tốn thu nạp những lời can gián. Sau khi lên ngôi, ông muôn tu sửa cung điện, đại thần Tục Thành 续成 dâng thư phản đối. Ông giận, nói rằng:

          - Không giết lão tặc này, cung điện của ta tu sửa không thành.

          Bèn hạ lệnh sai người đi bắt Tục Thành. Đại thần Từ Quang 徐光 nói rằng:

          - Tài trí thông minh của bệ hạ vượt qua Đường Nghiêu 唐尧, lẽ nào lại học theo Kiệt Trụ 桀纣? Tục Thành nói đúng thì tiếp nhận, nói không đúng thì nên khoan dung, sao lại nhân vì mấy câu nói mà giết đại thần?

          Thạch Lặc lập tức tự phê bình mình

          - Làm một vị nhân quân không thể chuyên chế như thế, làm sao mà không hiểu trung ngôn nghịch nhĩ? Lúc nãy chỉ là nói đùa thôi. Một người có tiền, hãy còn muốn xây dựng nhà cửa, huống hồ là một vị quốc quân? Dù sao cũng phải tu sửa tu sửa thôi. Vì những lời nói thẳng, tạm dừng kiến tạo, để động viên khen ngợi trung thần!

          Ai bảo rằng vị hoàng đế Thạch Lặc này là không sáng suốt?

          Người kiệt xuất trong số hoàng đế kế vị, ở một trình độ nhất định dựa vào tài năng cá nhân của ông ta, nhưng hoàn cảnh mà ông ta sống cũng không phải không liên quan. Ví dụ như Tần Thuỷ Hoàng, 13 tuổi kế vị. Đương thời gặp lúc thất hùng trong thiên hạ tranh làm bá chủ, mà nước Tần sau biến pháp của Thương Ưởng ngày càng lớn mạnh. Sự kết hợp nhân tố trong và ngoài này khiến Tần Thuỷ Hoàng trở thành hùng tài một đời. Hán Vũ Đế cũng có hùng tài đại lược, trên cơ sở “Văn Cảnh chi trị” 文景之治, lấy văn trị võ tạo thành đế quốc Đại Hán. Đường Thái Tông Lí Thế Dân trên danh nghĩa là kế vị, nhưng thực đã tham dự khai quốc, khiêm tốn tiếp nhận những lời can ngăn, thực hành kiệm ước, đạt đến quốc thái dân an, khai sáng “Trinh Quán chi trị” 贞观之治nổi tiếng, trở thành mẫu mực của vị minh quân thời cổ. Võ Tắc Thiên là nữ chính trị gia hiếm có trong lịch sử, là nữ hoàng đế chính thống duy nhất trong lịch sử, bà dựa vào tài năng cùng thủ đoạn của mình, trong xã hội phong kiến mà nam nhân chủ đạo, lấy thân phận phụ nữ vinh dự lên ngôi “cửu ngũ chi vị” 九五之位. Bà tuy nhậm dụng khốc lại đối phó với phái phản đối, nhưng cũng nhậm dụng một số hiền tài như Địch Nhân Kiệt, làm cơ sở chắc chắn cho “Khai Nguyên thịnh thế” 开元盛世 sau này. Hoàng đế Khang Hi 康熙 8 tuổi kế vị, 16 tuổi có thể diệt thế lực Ngao Bái 鳌拜, đã hiển lộ tài trí phi phàm. Càng đáng quý hơn, ông một đời tay không rời sách, không gì là không học, giỏi việc hấp thu, trở thành nhân vật chủ động tiếp nhận tây học trong lịch sử Trung Quốc. …. (còn tiếp)

                                                                           Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 08/6/2022

Nguyên tác Trung văn

TRUNG QUỐC HOÀNG ĐẾ

中国皇帝

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017

Previous Post Next Post