Dịch thuật: Quá trình phát triển tín ngưỡng Ma Tổ đời Tống

 

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TÍN NGƯỠNG MA TỔ ĐỜI TỐNG

          Văn hiến sớm nhất có liên quan đến Ma Tổ 妈祖 là bài văn Thánh Đôn Tổ miếu trùng kiến Thuận Tế miếu kí 圣墩祖庙重建顺济庙记 của Liêu Bằng Phi 廖鹏飞. Trong bài văn có nói đến nữ thần của Tổ miếu Thánh Đôn 圣墩,

Thế truyền là Thông Thiên Thần Nữ 通天神女. Họ Lâm , người đảo Mi Châu 湄洲, ban đầu, bà theo việc vu chúc, có thể dự biết hoạ phúc của con người; đến khi mất, mọi người lập miếu trên bổn đảo. Thánh Đôn 圣墩  cách đảo mấy trăm dặm, năm Nguyên Hựu 元佑 Bính Dần, trên gò ban đêm thường phát sáng, dân làng không biết là gì. Có người đánh cá đến xem, đó là khúc gỗ khô, đưa về nhà, ngày hôm sau khúc gỗ trở lại chỗ cũ. Đang đêm thác mộng dân bên gò rằng:

“Ta là Mi Châu Thần Nữ, nương vào khúc gỗ kia, nên thờ tự ta, ta sẽ ban phúc.”

Phụ lão lấy làm lạ, nhân đó lập miếu thờ, hiệu là Thánh Đôn 圣墩. Những năm có thuỷ tai hạn hán thì đến cầu đảo, lúc dịch bệnh giáng xuống đến cầu đảo, bọn hải khấu quấy nhiễu cũng đến cầu đảo, rất linh nghiệm. Cho nên thương thuyền mượn đó làm chỉ nam, bói được quẻ tốt được cứu giúp, tuy gặp sóng to gió lớn, thuyền cũng không sao. Hồng Bá Thông 洪伯通 người Ninh Giang 宁江 có lần đi thuyền, giữa đường gặp gió to, thuyền cơ hồ sắp chìm. Bá Thông cầu khấn Bà, lời chưa dứt mà gió đã lặng. Về đến nhà, tạc tượng lớn, dựng ngôi miếu ở phía tây ngôi miếu cũ để phụng thờ. Niên hiệu Tuyên Hoà 宣和 năm Nhâm Dần, sang năm sau Quý Mão, Cấp sự trung Lộ Doãn Địch 给事中路允迪 đi sứ Cao Li, đến đông hải, gặp sóng to gió lớn, tàu thuyền sóng đánh, 8 chiếc bị chìm hết 7, duy chỉ thuyền của ông, có Nữ Thần trên cột buồm xoay chuyển trong gió, phút chốc được an toàn. Nhân đó mới nói cho mọi người biết. Lúc bấy giờ, đồng sự là Bảo Nghĩa Lang Lí Chấn 保义郎李振 vốn thờ phụng Thần ở Thánh Đôn, biết rõ sự việc, tâu lên triều đình, chiếu ban xuống lấy hai chữ “Thuận Tế” 顺济 làm biển ngạch của miếu. (1)

Theo đó, tiền thân của Ma Tổ 妈祖 là một nữ vu (thầy cúng – ND), sau khi mất, mọi người dựng miếu tại Mi Châu 湄洲. Khoảng thời Nguyên Hựu 元佑, nhân một khúc gỗ khô trôi đến vùng Thánh Đôn 圣墩 của Bồ Điền 莆田, người dân Thánh Đôn cho đó là phần linh của Ma Tổ, lập miếu cho Bà, lúc đó, thần danh của Ma Tổ là “Thông Thiên Thần Nữ” 通天神女. Khoảng niên hiệu Tuyên Hoà thời Bắc Tống, Lộ Doãn Địch 路允迪đi sứ Cao Li, giữa đường gặp sóng to gió lớn, được Ma Tổ che chở, sau khi về lại, xin phong cho Ma Tổ, miếu được đặt tên là “Thuận Tế Miếu” 顺济庙. Chính như Hoàng Công Độ 黄公度 đời Tống làm thơ vịnh “Thuận Tế Miếu”:

Khô mộc triệu linh thương hải đông

Sâm si cung điện tuất tình không

Bình sinh bất yếm hỗn vu ảo

Dĩ tử do năng hiệu quốc công

Vạn hộ sinh lao vô thuỷ hạn

Tứ thời ca vũ tẩu nhi đồng

Truyền văn lợi trạch chí kim tại

Thiên lí nguy tường nhất tín phong (2)

枯木肇灵沧海东

参差宫殿崒睛空

平生不厌混巫媪

已死犹能效国功

万户牲醪无水旱

四时歌舞走儿童

传闻利泽至今在

千里桅樯一信风

(Khúc gỗ khô khởi đầu hiển linh nơi phía đông của biển

Dãy cung điện thấp cao vươn lên trong khoảng không)

Lúc sống làm một bà vu không chán

Khi mất hãy còn lập công cho nước

Muôn hộ phụng thờ không còn thuỷ tai hạn hán

Bốn mùa ca hát vui sướng như trẻ con

Truyền rằng ân trạch của Bà hãy còn đến ngày nay

Cột buồm ở xa ngàn dặm báo hiệu gió mùa)

          Có thể thấy, Ma Tổ lúc sinh tiền là một nữ vu, sau khi mất được bách tính phụng thờ, nhân vì lập công cho nước, được triều đình tứ phong, sau trở thành Hải Thần 海神.

          Phong hiệu của Ma Tổ thời Nam Tống tăng lên nhiều. Phong hiệu Ma Tổ thời Bắc Tống là “Mi Châu Thần Nữ” 湄洲神女 mà Tống Huy Tông 宋徽宗 hạ chiếu ban tặng cùng tấm biển nơi “Thuận Tế Miếu”. Sau đó, phong hiệu mà Ma tổ có được ngày càng nhiều. Năm Thiệu Hưng 绍兴 thứ 26 thời Nam Tống phong Linh Huệ Phu Nhân 灵惠夫人, năm thứ 30 phong hai chữ “Chiêu Ứng” 昭应, đến năm Thuần Hi 淳熙 thứ 10, đã phong đến “Linh Huệ Chiêu Ứng Sùng Phúc Thiện Lợi Phu Nhân” 灵惠昭应崇福善利夫人. Năm Thiệu Hi 绍熙nguyên niên thời Quang Tông 光宗, dưới sự chủ trì của Tể tướng Trần Tuấn Khanh 陈俊卿  người gốc Bồ Điền 莆田, tấn phong Ma Tổ là “Linh Huệ Phi” 灵惠妃. Chế độ phong tước đời Tống quy định: Nếu phong hiệu cho đại thần quốc công, thì phu nhân của họ đồng thời cũng được ban hiệu “Phu Nhân” 夫人, ví dụ như: “Nguỵ Quốc Phu Nhân” 魏国夫人, “Trịnh Quốc Phu Nhân” 郑国夫人v.v… Chỉ có hoàng thân quốc thích được phong “Vương” ,  thê tử của họ mới có thể có được phong hiệu “Phi” . Nhân đó, Ma Tổ được tấn thăng là “Linh Huệ Phi” mang ý nghĩa Bà đã hưởng thụ đẳng cấp “Vương” nên được sự đãi ngộ. Do bởi Ma Tổ nhiều lần hiển linh, cho nên, Bà cũng được nhiều lần thụ phong, đến cuối đời Tống, phong hiệu mà Ma Tổ có được đã lên đến hơn 14 lần, điều đó không thấy nhiều ở đời Tống.

          Việc phong thuỵ cho Ma Tổ đối với việc thúc đẩy sự sùng bái Ma Tổ có tác dụng trọng yếu, nhưng chúng ta cũng đồng thời phải chú ý: Triều Tống hoàn toàn không chỉ có phong hiệu cho Ma Tổ, mà cũng phong cho thần linh tín ngưỡng dân gian nhiều địa phương với đẳng cấp khác nhau các phong hiệu. Chỉ lấy phạm vi lộ Phúc Kiến 福建 mà nói, vào đời Tống nhiều lần được phong hiệu có: Định Quang Phật 定光佛, Thanh Thuỷ Tổ Sư 清水祖师, Bích Chi Phật 辟支佛 v.v… Ma Tổ chỉ là một trong số chúng thần được phong hiệu. Lấy một huyện Bồ Điền 莆田 mà nói. ngoài Ma Tổ ra, còn có nhiều thần linh có được phong hiệu, cá biệt phong hiệu thần linh có được nhiều cũng không thua Ma Tổ. Cả bầu không khí triều Tống là sùng đạo, thần linh các nơi được thụ phong không dưới ngàn lần. Ma Tổ là một trong những thần linh được thụ sủng nhất, nhưng không phải là thần linh được thụ phong duy nhất, thậm chí không phải là vị Hải Thần 海神 duy nhất, đây là điều cần phải nói rõ.

Chú của nguyên tác

1- Xét: Bài văn này của Liêu Bằng Phi 廖鹏飞được ghi chép trong Trung bộ “Bạch Đường Lí thị gia phổ” 白塘李氏家谱 của gia tộc Lí thị 李氏 ở Bạch Đường 白塘 Bồ Điền 莆田, do những người công tác văn vật Bồ Điền khi điều tra có được.

2- Hoàng Công Độ 黄公度: Đề Thuận Tế miếu thi 题顺济庙诗, chép trong Ma Tổ văn hiến tư liệu 妈祖文献资料, trang 3. Phúc Kiến Nhân dân xuất bản xã, năm 1990.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 16/5/2022

Nguồn

MA TỔ ĐÍCH TỬ DÂN

妈祖的子民

Tác giả: Từ Hiểu Vọng 徐晓望

Thượng Hải - Học Lâm xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post