Dịch thuật: Hoàng Hiết (Tể tướng Trung Quốc)

HOÀNG HIẾT

          Hoàng Hiết 黄歇 (? – năm 238 trước công nguyên), hiệu Xuân Thân Quân 春申君. Tể tướng thời Sở Khảo Liệt Vương 楚考烈王, một trong những hiền tướng thời Chiến Quốc, một trong “Chiến quốc tứ quân tử” 战国四君子nổi tiếng, bị quốc cửu Lí Viên 李园 ám sát.

          Hoàng Hiết 黄歇, quý tộc nước Sở, du học khắp nơi từ rất sớm, kiến thức rộng, học thức uyên bác, lại rất có khẩu tài, sau được Sở Khoảnh Tương Vương 楚顷襄王  nhậm làm Tả đồ 左徒.

          Khi phụ thân của Khoảnh Tương Vương 顷襄王 là Hoài Vương 怀王đương chính, tướng Tần là Bạch Khởi 白起 từng đem binh công Sở, công hãm đô thành Dĩnh , hoả thiêu Di Lăng 夷夷陵, đông tiến đến Cánh Lăng 竟陵, nam đến vùng Động Đình hồ 洞庭湖, khiến Sở tổn binh mất đất, cơ hồ vong quốc. Sau khi Khoảnh Tương Vương lên ngôi, bị bức phải dời quốc đô dời về phía đông đến huyện Trần , phái Hoàng Hiết đi sứ nước Tần để làm hoà dịu mối quan hệ giữa hai nước. Hoàng Hiết vừa đến nước Tần, nghe biết Tần đang mưu tính công Sở một lần nữa, lập tức dâng thư lên Tần Chiêu Vương 秦昭王, phân tích tỉ mỉ đại thế thiên hạ, khuyên Tần Chiêu Vương đừng đánh Sở mà liên minh với Sở. Chiêu Vương bị thuyết phục, kết minh cùng với Sở, đồng thời yêu cầu Sở đưa thái tử Hoàn sang Tần làm con tin. Hoàng Hiết sau khi về nước, lại theo thái tử sang Tần cư trú mấy năm. Quan hệ giữa Thái tử Hoàn và Tần Tướng quốc Phạm Tuy 范睢 rất tốt, hai nước tương đối vô sự.

          Năm 263 trước công nguyên, Khoảnh Tương Vương ngả bệnh, thái tử Hoàn cấp tốc về nước kế vị, lại khổ vì Tần không thả cho đi. Hoàng Hiết du thuyết Phạm Tuy, thái tử Hoàn được về nước kế vị. quan hệ giữa hai nước lại càng mật thiết, Phạm Tuy cũng nhận được sự báo đáp hậu hĩ; nếu như không cho thái tử Hoàn về, Sở tất phải lập tân quân, tân quân sẽ không như thái tử Hoàn có cảm tình tốt với Tần. Phạm Tuy cho rằng nói rất có lí, liền tâu lên Chiêu Vương. Tần Vương mệnh cho Hoàng Hiết trước tiên về Sở để biết bệnh tình tình của Khoảnh Tương Vương rồi sau đó hãy quyết định. Hoàng Hiết sợ chậm trễ, nước Sở sẽ lập tân quân, bèn bảo thái tử cải trang thành người đánh xe, chở sứ giả nước Sở lẫn vào đám người ra khỏi quan khẩu, đào thoát về nước Sở. Còn ông ở lại Hàm Dương 咸阳, đóng cửa không ra ngoài. Nhẩm tính thái tử Hoàn đi đã được xa, quân Tần đuổi theo không kịp, ông mới nói rõ chân tướng với Tần Chiêu Vương, cam nguyện chịu chết. Chiêu Vương đại nộ, muốn giết ông, Phạm Tuy khuyên giải rằng:

          - Hoàng Hiết cũng vì chúa mà xả thân, giết ông ta không có ích gì. Nếu như thái tử Hoàn lên ngôi, nhất định sẽ trọng dụng ông ta, chi bằng thả cho ông ta về nước, có lợi cho nước Tần.

          Tần Chiêu Vương thả cho ông về lại Sở.

          Hoàng Hiết sau khi về nước được ba tháng, Khoảng Tương Vương bệnh nặng và qua đời, thái tử Hoàn kế vị tức Khảo Liệt Vương 考烈王. Hoàng Hiết lập tức được bái làm Lệnh doãn 令尹, trở thành Tể tướng, cấp phong cho ông đất của 12 huyện ở Hoài bắc 淮北, hiệu là Xuân Thân Quân 春申君.

          Hoàng Hiết sau khi nhậm chức Tướng, từng phụng mệnh phái tướng quân Cảnh Dương 景阳 đem binh cứu viện đô thành Hàm Đan 邯郸 của Triệu. Năm 261 trước công nguyên, ông nhân lúc quân hai nước Tần Triệu giằng co ở Trường Bình 长平, đã phát binh đánh lấy Từ Châu 徐州 của nước Lỗ, nhanh chóng thôn tính đất đai nước Lỗ, năm 256 trước công nguyên diệt nước Lỗ, nhậm mệnh học giả trứ danh Tuân Huống 荀况làm Lan Lăng lệnh 兰陵令, trị lí đất Lỗ. Về sau, ông lại liên hiệp các nước, lấy Sở làm minh chủ, cùng chung kháng Tần, khiến quốc thế nước Sở một dạo được chấn hưng. Chẳng bao lâu, do bởi liên quân các nước bị Tần đánh bại, Khảo Liệt Vương quy tội cho ông, bắt đầu xa lánh ông.

          Năm 248 trước công nguyên, Hoàng Hiết được đổi phong ở Giang Đông 江东, lấy Ngô (nay là thành phố Tô Châu 苏州tỉnh Giang Tô 江苏) làm đô ấp, hạt cảnh bao gồm các huyện phía tây Thượng Hải 上海 ngày nay. Tương truyền, ông tu sửa thuỷ lợi nơi đó, khơi vét không ít sông ngòi, trong đó Hoàng Hiết giang 黄歇江 là nổi tiếng nhất. Cho nên Hoàng Hiết giang còn được gọi là Hoàng Hiết phố 黄歇浦, Hiết phố 歇浦, Xuân Thân giang 春申江, Thân giang 申江. Ông lại chiêu mộ nuôi dưỡng nhiều môn khách, lấy lễ đãi kẻ sĩ, môn hạ thực khách có đến 3000 người, là một trong “Chiến quốc tứ quân tử”, giữ chức Tể tướng 25 năm.

          Khảo Liệt Vương về già vẫn không có con, Hoàng Hiết tuy cưới cho ông ta rất nhiều vương phi, nhưng vẫn không sinh được con. Khảo Liệt Vương rất lo vương vị không có người kế thừa. Lúc bấy giờ Lí Viên 李园 người nước Triệu đem em gái của mình dâng cho Hoàng Hiết làm thiếp, chẳng bao lâu có thai. Lí Viên xúi em gái khuyên Hoàng Hiết rằng:

          - Nay đại vương không có con, sau trăm năm tất sẽ truyền ngôi vị cho anh em, người kế vị đương nhiên sẽ tin dụng thân tín của mình, đến lúc đó, ngài có còn cư thân Tướng vị, giữ được phú quý chăng? Hơn nữa, ngài nhiều năm nắm quyền, khó mà tránh được tội với anh em của đại vương, lúc đó chỉ sợ tính mạng của ngài khó bảo toàn. Hiện thiếp đã có thai, không có người ngoài nào biết được, suy nghĩ cho ngài, chi bằng đem thiếp dâng cho đại vương, nếu may mắn sinh được con trai thì có thể kế thừa vương vị, ngài cũng có thể nắm giữ đại quyền nước Sở.

          Hoàng Hiết nghe theo, đem người thiếp đưa vào cung, quả nhiên sinh được con trai. Khảo Liệt Vương cả mừng, lập người con đó làm thái tử, phong em gái Lí Viên làm Vương hậu, Lí Viên cũng trở thành quốc thích hiển quý. Nhưng, Lí Viên không nghĩ đến việc báo đáp mà lại lo Hoàng Hiết tiết lộ bí mật. Năm 238 trước công nguyên, Khảo Liệt Vương bệnh và qua đời, thái tử (tên Điệu ) tức vị đó là U Vương 幽王. Lí Viên bèn cho thích khách ám sát Hoàng Hiết bên trong Cức môn 棘门của Thọ Xuân thành 寿春城.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 11/5/2022

Nguyên tác Trung văn

HOÀNG HIẾT

黄歇

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post