Dịch thuật: Khởi nguyên của tín ngưỡng Ma Tổ

 

KHỞI NGUYÊN CỦA TÍN NGƯỠNG MA TỔ

          Ma Tổ 妈祖là tín ngưỡng dân gian có tính đại biểu nhất ở phương Nam Trung Quốc, sự sản sinh và truyền bá của tín ngưỡng này, đối với việc lí giải sự phát triển văn hoá Ma Tổ là cực kì tất yếu.

          Về khởi nguyên của tín ngưỡng Ma Tổ, cách nói truyền thống là: Đô tuần kiểm của Mân Vương 闽王thời Ngũ Đại là Lâm Nguyện 林愿sinh được một người con gái, đặt tên là Lâm Mặc 林默. Người con gái này từ nhỏ đã ham thích đạo, lại được Bồ Tát Quán Âm siêu độ, trở thành nữ thần, bảo hộ những người đi biển. Cũng có người cho rằng, Ma Tổ hoàn toàn không phải là một nhân vật lịch sử chân thực, trong khoảng thiên địa lấy thiên làm tôn quý, lấy địa làm to lớn, cho nên thiên là “Thượng Đế” 上帝, địa là “Đế Hậu” 帝后, còn hải dương theo cách nhìn truyền thống của người Trung Quốc chỉ có thể được xem là phối ngẫu thứ yếu của thiên – “Đế Phi” 帝妃, cho nên hải thần được xưng là “Thiên Phi” 天妃.  Trải qua sự khảo chứng của Lí Hiến Chương 李献璋tiên sinh, vấn đề này đã được giải quyết về cơ bản. Trong lịch sử quả thực có người mà sau này được xưng là “Lâm Mặc” 林默, có liên quan đến thần thoại Thiên Phi là thần hoá sự tích của Bà.

Còn niên đại xuất sinh của Lâm Mặc, lại là một vấn đề có sự tranh nghị. Trong các văn hiến tảo kì, không có ghi chép rõ ràng, hiện tại người ta đem định vào thời gian Kiến Long 建隆 nguyên niên thời Bắc Tống, tức năm 960, đây cũng là sự suy đoán. Trong những tài liệu thời kì Tống Nguyên, có mấy cách nói: Ngũ Đại thời kì, Bắc Tống sơ niên, Bắc Tống trung kì. Thuyết Bắc Tống trung kì rõ ràng là sai, bởi vì, rất nhiều tư liệu cho thấy: sớm vào những năm đầu Bắc Tống đã có miếu vũ sùng bái Ma Tổ rồi; còn thuyết Ngũ Đại và thuyết Bắc Tống sơ niên ở một điều kiện nhất định có thể thống nhất, bởi vì triều Tống khi tại phương bắc quật khởi, Phúc Kiến 福建 vẫn còn ở vào giai đoạn cát cứ, mãi cho đến 18 năm sau mới được Bắc Tống thống nhất. Người Mân gọi giai đoạn lịch sử này là “Ngũ quý” 五季, tức ý nghĩa “Ngũ Đại quý niên” 五代季年, nó tương đương với Bắc Tống sơ niên mà người đời sau nói, cho nên, hai thuyết Ma Tổ sinh vào thời “Ngũ quý” cùng với “Bắc Tống sơ”, thực không mẫu thuẫn. Văn học gia thời Tống người Bồ Điền 莆田 là Lưu Khắc Trang 刘克庄 từng nói: Mi Châu Thần Nữ 湄洲神女 cùng với “Kiến Long chân nhân” 建隆真人 đồng thời trổi dậy. Kiến Long 建隆 là niên hiệu đầu tiên của Tống Thái Tổ 宋太祖, điều mà gọi là “Kiến Long chân nhân” tức nói đến Tống Thái Tổ. Từ đó mà thấy, đem niên đại xuất thân của Ma Tổ định vào Kiến Long nguyên niên Tống Thái Tổ đăng cơ, chí ít cách sự thực cũng không xa mấy, nhân đó, với tiền đề có hạn ở những tư liệu có được trước mắt, đa số người tiếp nhận cách nói này.

Thứ ba, có liên quan đến vùng đất khởi nguyên tín ngưỡng Ma Tổ. Lí Hiến Chương 李献璋 tiên sinh căn cứ vào câu thơ của Hoàng Công Độ 黄公度  đời Tống:

Khô mộc triệu linh thương hải đông (1)

枯木肇灵沧海东

(Khúc gỗ khô khởi đầu hiển linh nơi phía đông của biển)

Suy đoán tín ngưỡng Ma Tổ khởi nguyên tại miếu Thánh Đôn 圣墩  ở Ninh Hải 宁海  Bồ Điền 莆田. Nhưng, sự suy đoán này không phù hợp với xưng hiệu “Mi Châu Thần Nữ” 湄洲神女 của Ma Tổ được phong tặng vào đời Tống. Trong quyển Phương dư thắng Lãm 方舆胜览 của Chúc Mục 祝穆 người đời Tống cũng có nói miếu “Mi Châu Thần Nữ” ở trên hải đảo. Có thể thấy, thuyết này có vấn đề. Theo học giả ở Bồ Điền sau khi phát hiện quyển Thánh Đôn Tổ miếu trùng kiến Thuận Tế miếu kí 圣墩祖庙重建顺济庙记 của Liêu Bằng Phi 廖鹏飞 biên soạn vào thời Tống, vấn đề này đã được giải quyết. Trong bài văn, Liêu Bằng Phi đã chỉ rõ: Mi Châu Thần Nữ nổi danh sớm nhất ở Mi Châu, sau đó hiển linh nơi Thánh Đôn Ninh Hải.

Chú của người dịch

1- Câu này đã dẫn dụng câu chuyện “Khô tra hiển Thánh” 枯槎显圣.

Năm Nguyên Hựu 元祐nguyên niên Bính Dần thời Tống Triết Tông 宋哲宗, nơi phía đông biển ở Bồ Điền莆田 có một cái gò cao, cách Mi Châu 湄洲 khoảng 100 dặm, ban đêm thường phát ra ánh sáng, ngư dân nghi là có báu vật, nên quan sát kĩ. Thì ra đó là một khúc gỗ khô phát sáng trôi trên mặt nước, ngư dân vớt đưa về nhà, sáng sớm hôm sau, khúc gỗ đã trở lại chỗ cũ. Lần sau cũng như thế. Đang đêm khúc gỗ thác mộng vào một người dân làng Ninh Hải 宁海, nói rằng:

          Ta là Mi Châu Thần Nữ, nương vào khúc gỗ kia, nên thờ tự ta, ta sẽ ban phúc.

          Dân làng đã lập miếu, tạc tượng thờ phụng, hiệu là Thánh Đôn miếu 圣墩庙, cầu đảo rất linh ứng.

          (Theo Lí Hợp Phố 李合浦: Lí Phú dữ Thánh Đôn Thuận Tế miếu 李富与圣墩顺济庙, 16/3/2022)

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 23/4/2022

                                             (Nhân ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu 23/3)

Nguồn

MA TỔ ĐÍCH TỬ DÂN

妈祖的子民

Tác giả: Từ Hiểu Vọng 徐晓望

Thượng Hải - Học Lâm xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post