Dịch thuật: Ảnh hưởng của sự kiện "phần thư khanh nho"

 

ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ KIỆN “PHẦN THƯ KHANH NHO”

          Triều Tần không chỉ “phần thư khanh nho” 焚书坑儒, mà còn “hiệp thư lệnh” 挟书令 (1), những ai tàng trữ kinh điển nho gia sẽ bị trị tội, nhân đó mà đời Tần không có người học tập và truyền thụ kinh điển nho gia. Hán Cao Tổ Lưu Bang 汉刘邦 không coi trọng nho học, đến thời Huệ Đế 惠帝, phế bỏ “hiệp thư lệnh”, ngôn luận tư tưởng nho gia vùng cấm này bắt đầu nới lỏng. Từ đó, đến thời Văn Đế 文帝, một số lão nho còn sống đã dựa theo trí nhớ, truyền kinh bằng miệng. Các đệ tử nhân vì tìm không được thư tịch đã dùng lệ thư thông hành đương thời ghi chép lại bản văn kinh điển cùng những lời giải thích mà các lão nho nhớ được truyền lại, những kinh điển như vậy được gọi là “Kim văn kinh” 今文经, giải thích văn thì gọi là “truyện” . Thời Văn Đế, bắt đầu thiết lập “Kinh học bác sĩ” 经学博士, do Kim văn kinh học gia đảm nhiệm. Thời Vũ Đế 武帝 đặt “Ngũ kinh bác sĩ” 五经博士, cũng do Kim văn kinh học gia đảm nhiệm, dạy học trò tại nhà Thái Học 太学. Từ đó, Kim văn kinh học được truyền bá rộng rãi. Kim văn kinh đến từ trí nhớ của các lão nho, nhân vì trí nhớ của mỗi người có chỗ khác nhau, cách giải thuyết cũng sai dị, thế là xuất hiện tình huống một kinh mà có cách thuyết giải của mấy nhà, nối đời truyền nhau, dần hình thành một số học phái. Thời Tuyên Đế 宣帝, nơi nhà Thái Học lập Học quan, Dịch có tam gia, Thư có tam gia, Thi có tam gia, Lễ có nhất gia, Xuân Thu 春秋có nhị gia, tổng cộng 12 Bác sĩ. Đầu thời Đông Hán, tăng lên 14 Bác sĩ.

          Cổ văn kinh dùng kinh điển được sao chép bằng triện thư trước khi Tần Thống nhất. Khi Tần đốt sách, mọi người đem những kinh điển này và một số cổ thư khác giấu đi. Thời Tây Hán, do bởi phá bỏ nhà cũ, lần lượt xuất hiện một số cổ thư. Thời Vũ Đế, ban lệnh hiến sách. Thời Thành Đế 成帝, lập quan phụ trách thu thập cổ thư, đồng thời bắt tay tiến hành chỉnh lí. Cuối thời Tây Hán, khi Lưu Hâm 刘歆chỉnh lí cổ thư, đã phát hiện kinh điển cổ văn không chỉ khác với kinh văn và kim văn, mà thiên chương cũng nhiều hơn. Như Lễ kí 礼记 nhiều hơn 39 thiên, Thư nhiều hơn 16 thiên, Mao thi 毛诗 Tả Thị Xuân Thu 左氏春秋  thì kim văn kinh không ghi chép. Những kinh điển mới phát hiện này gọi là “Cổ văn kinh” 古文经. Lưu Hâm rất tán thưởng cồ văn kinh, kiến nghị lập Học quan tại nhà Thái Học, nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt của các Bác sĩ Kim văn kinh học. Lưu Hâm phê bình những Bác sĩ này là:

Chuyên kỉ thủ tàn, đảng đồng môn, đố đạo chân.

专己守残, 党同门, 妒道真

(Cố chấp ý kiến của mình, khư khư giữ cái cũ tàn khuyết, tụ tập người cùng nhóm, đố kị đạo nghĩa chân lí)

Nhưng do bởi đại thần chấp chính phản đối, nên kiến nghị của Lưu Hâm chưa được thu nhận. Thời Bình Đế 平帝, Vương Mãng 王莽 chuyên quyền, để lợi dụng cổ văn kinh tiến hành “cải chế”, đã lập bốn Bác sĩ là “Cổ văn thượng thư”, “Mao thi”, “Dật lễ”, “Tả thị Xuân Thu”, Đầu thời Đông Hán, lại bị phế bỏ. Cổ văn kinh tuy không được lập Học quan, nhưng trong dân gian lại được lưu truyền. Trong Cổ văn kinh cố nhiên có một số nội dung kinh qua sự soán cải và tăng thêm của các học giả thời lưỡng Hán, nhưng nói chung, Cổ văn kinh học gia là dựa theo hình, âm, nghĩa để giải kinh, ra sức khôi phục nghĩa gốc của kinh, không tuỳ ý phát huy. Thế là hình thành phương pháp huấn hỗ hệ thống. Cổ văn kinh học gia Giả Quỳ 贾逵, Mã Dung 马融 Trịnh Huyền 郑玄 kiêm thông Kim văn kinh, Trịnh Huyền phá trừ truyền thống các nhà, thu nhận nhiều thuyết, chú thích nhiều kinh, được sự tán thưởng của hai phái kim cổ văn, hiệu xưng là “Trịnh học” 郑学. Đến đây về cơ bản đã kết thúc cuộc tranh luận giữa kim văn cổ văn. Đế phản đối Kim văn học phái căn cứ kinh điển lệ thư, xuyên tạc phụ hội, giải thích chưa thấu đáo kinh văn, học trò của Giả Quỳ 贾逵 là Hứa Thận 许慎 đã phải mất 22 năm viết thành bộ Thuyết văn giải tự 说文解字, thu thập 9353 chữ tiểu triện, thu thập cổ văn (văn tự thời Chiến Quốc), Trứu văn (văn tự thời Tây Chu, Xuân Thu) 1163 trùng văn, mỗi chữ ghi rõ tự hình, chú âm đọc, suy cứu tự nghĩa, toàn sách chia là 540 bộ, toàn sách giải thuyết hơn 133.000 chữ, giản minh ách yếu, là bộ tự điển biên tập hoàn thiện, nội dung phong phú sớm nhất của Trung Quốc.

Chú của người dịch

1- Hiệp thư lệnh 挟书令: Cũng gọi là “hiệp thư luật” 挟书律. Pháp lệnh đời Tần cấm chỉ tư nhân tàng trữ sách, bàn luận sách. Năm Tần Thuỷ Hoàng 秦水皇 thứ 34 (năm 213 trước công nguyên), theo kiến nghị của Thừa tướng Lí Tư 李斯, nếu không phải là Bác sĩ , phàm là Thi, Thư cùng bách gia đều phải giao nộp cho quan Thủ uý để thiêu huỷ, ngoại trừ sách Y dược, bói toán, trồng trọt. Lệnh ban xuống 30 ngày mà vẫn không thiêu huỷ sẽ bị xử tội cạo tóc, thích chữ lên mặt, cho làm khổ dịch xây dựng Trường thành. Ai dám bàn luận Thi, Thư sẽ bị xử tử, lấy xưa để chê nay sẽ bị diệt cả tộc. Do bởi vương triều Tần nhanh chóng diệt vong, nên lệnh đó chưa thực thi trọn vẹn. Đời Hán Huệ Đế 汉惠帝 thứ 4 (năm 191 trước công nguyên), lệnh bị phế trừ.

https://www.baike.com/wiki/%E6%8C%9F%E4%B9%A6%E4%BB%A4?view_id=3ps55gsa1nc000

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 18/4/2022

Nguồn

https://baike.baidu.com/item/%E7%84%9A%E4%B9%A6%E5%9D%91%E5%84%92/285421

Previous Post Next Post