Dịch thuật: Xử hoạn bất ưu, tâm hệ thương sinh (Thái căn đàm)

 

处患不忧  心系苍生

君子处患难而不忧, 当宴游而惕虑. 遇权豪而不惧, 对茕独而惊心

                                                                                 (菜根谭 - 宽心从容)

XỬ HOẠN BẤT ƯU   TÂM HỆ THƯƠNG SINH

          Quân tử xử hoạn nạn nhi bất ưu, đương yến du nhi dịch lự. Ngộ quyền hào nhi bất cụ, đối quỳnh độc nhi kinh tâm.

                                                        (Thái căn đàm – Khoan tâm thung dung)

Ở VÀO CẢNH HOẠN NẠN KHÔNG ÂU LO

LÒNG LUÔN NGHĨ ĐẾN MUÔN DÂN

          Bậc quân tử có năng lực và đức hạnh, nào sợ đối mặt với hoàn cảnh khó khăn mà cũng không hề lo lắng, còn lúc an lạc yến ẩm lại biết cảnh giác đề phòng. Gặp phải kẻ có thế lực hoặc hung bạo ngang ngược thì không hề sợ hãi, còn đối với những người già cả neo đơn thì lại rất đồng tình.

Giải thích và phân tích

          Tô Thức 苏轼 lúc 62 tuổi, khi bị triều đình biếm đến Hải Nam 海南. Trời đổ mưa liên miên không dứt, gió lạnh thổi đến bên người, lộ rõ chút thê lương. Tuy ở nơi gian nhà cũ kĩ, ăn cơm gạo thô, nhưng Tô Thức hoàn toàn không cho đó là khổ, ngược lại thường cùng với sĩ thân bách tính nơi đó cùng vui với việc trồng dâu trồng đay. Ông cũng không tự cho mình là văn hào, mà chỉ biết nhập hương tuỳ tục, thân khoác mũ áo nơi đó, đi khắp ngõ ngách, hưởng thụ niềm an ủi khó có.

          Có một lần, Tô Thức đến một ngọn núi, đã tạo ra được tiếng cười thiện ý của một tiều phu miền núi. Tuy ngôn ngữ bất thông, nhưng lão tiều phu cũng nhìn thấy được ông là một quý nhân ẩn cư chốn sơn lâm nên đã có hảo ý đối với ông, khảng khái tặng một tấm vải để ông chống được cơ gió biển rét buốt.

          Quan hệ của Tô Thức với hàng xóm chung quanh vô cùng dung hợp. Hàng xóm bên đông bên tây thường đem cơm cùng thức ăn đến cho ông. Khi ông kể lại chuyện cũ cho mọi người nghe, trên mặt luôn lộ vẻ hân hoan, không hề có sắc đau buồn ảm đạm, cười và nói rằng:

Tích nhật phú quý, nhất trường xuân mộng

昔日富贵, 一场春梦

(Phú quý ngày trước như một giấc mộng xuân)

          Sự thực, cuộc sống trích cư tại Hải Nam của Tô Thức vô cùng khốn khó. Lĩnh Nam 岭南 khí trời ẩm thấp, khí đất ướt át, vùng Hải Nam lại càng hơn thế, đối với một ông lão như Tô Thức, quả là khó thích ứng. Nhưng Tô Thức tự đề bức hình của mình trước lúc mất lại đem việc biếm quan đến Hoàng Châu 黄州,  Huệ Châu 惠州, Đam Châu 儋州xem là công nghiệp của đời mình. 

          Đối với khổ nạn, Tô Thức không phải không có chút động lòng, nhưng ông lại lấy một tư thái nhân sinh mới để đối đãi sự bất hạnh nối gót nhau mà tới với mình, không cho khổ là khổ.

Người hiểu rõ đạo lí thường không bị quấn lấy bởi một việc một vật, mà tấm lòng họ luôn rộng rãi khoan dung, đạm bạc tự giữ lấy mình, sống trong hoàn cảnh ác liệt cũng không bao giờ lo âu, lúc an lạc du nhàn lại biết cư an tư nguy; gặp phải kẻ cường hào quyền quý không bao giờ sợ hãi, nhưng gặp phải những người cô khổ neo đơn không nơi nương tựa lại có sự đồng tình. Họ khác với với cách xử thế của người ở chỗ họ có ý chí kiên cường, kiên trì phẩm tính, không vì ngoại vật quấy nhiễu, cho nên đối với sự biến đổi không kinh sợ, cư an tư nguy, không sợ quyền thế, phò nguy tế khốn. 

Bậc quân tử có đạo đức cao thượng không chỉ không âu lo khi thân ở vào nghịch cảnh, mà còn có thể không sợ quyền thế, đồng tình với kẻ yếu. Thi nhân yêu nước vĩ đại Khuất Nguyên 屈原 chính là người như thế. Ông tuy sinh ra trong một gia đình quý tộc, nhưng lại thương cảm đến gian khổ của bách tính phổ thông, ra sức giúp đỡ họ.

Khuất Nguyên từ lúc nhỏ đã có tấm lòng bi thiên mẫn nhân. Gặp năm mất mùa đói kém liên miên, bách tính nơi quê nhà của ông ăn không no, mặc không ấm, có người phải xin ăn dọc đường, ăn cả vỏ cây, ăn cả côn trùng bụi đất, Khuất Nguyên nhìn thấy đã cảm thương rơi nước mắt. 

Có một ngày, nơi khe nứt trên tảng đá lớn ở trước của nhà Khuất Nguyên đột nhiên gạo trắng như tuyết chảy ra, bách tính nhìn thấy, lũ lượt mang tô mang bao đến lấy mang về nhà.

Chẳng bao lâu phụ thân Khuất Nguyên phát hiện kho gạo trong nhà ngày càng vơi, ông lấy làm kì lạ.

Đêm nọ, ông phát hiện thấy Khuất Nguyên đang vác gạo từ trong kho ra ngoài, liền gọi Khuất Nguyên đến, hỏi qua mới biết, hoá ra Khuất Nguyên đem gạo trong nhà đổ vào khe nứt trên tảng đá.

Người trong làng biết được chân tướng sự việc rất cảm động, ai nấy đều khen ngợi Khuất Nguyên.

Phụ thân không trách ông, chỉ là nói với ông:

- Gạo nhà ta cứu không nỗi rất nhiều người nghèo khổ. Nếu sau này con lớn lên làm quan, quản lí tốt mọi người, thì người nghèo trong thiên hạ chẳng phải là có cơm ăn sao?

Từ đó Khuất Nguyên chuyên cần học tập, sau khi trưởng thành được Sở Vương biết tài năng của ông bèn triệu đến làm quan, quản lí đại sự quốc gia. Khuất Nguyên tận tâm tận lực vì nước vì dân, được người đời sau ca tụng.

Sự việc lớn trong thiên hạ nếu không liên quan đến mình, người ta cũng không bao giờ để ý đến; nhưng một sự việc rất nhỏ nếu liên quan đến mình, người ta sẽ hết sức để ý. Sự vĩ đại của Khuất Nguyên ở chỗ, ông luôn nghĩ cho mọi người, lấy cái khổ của họ làm cái khổ của mình.

Bậc quân tử chân chính đối với sự vinh nhục được mất của bản thân có thể đạm định thung dung, không vì vật mà mừng, không vì mình mà lo, đối mặt với sự gian khổ của người khác thì tâm khó mà yên được, nhân bởi họ luôn có lòng vì thiên hạ, gắn với muôn dân, “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” 先天下之忧而忧, 后天下之乐而乐. Đời người đều không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, sóng lặng biển êm, phải luôn cư an tư nguy, khi sóng gió nổi lên, ở vào cảnh huống biến đổi cũng không kinh sợ, lúc gió dập mưa vùi vẫn thung dung, lúc gió mát trời trong, trời đất nhân sự tràn đầy tình thương mến, con thuyền nhân sinh như thế mới có thể đi được rất xa,

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                             Quy Nhơn 01/3/2022

Nguồn

THÁI CĂN ĐÀM

菜根谭

Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明

Biên soạn: Bàng Bác 庞博

Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post