Dịch thuật: Chữ "tầm" 尋 trong Hán ngữ cổ (Vương Lực)

 

CHỮ “TẦM” TRONG HÁN NGỮ CỔ

1- Tám xích.

          Trong Mạnh Tử - Đằng Văn Công hạ 孟子 - 滕文公下 có câu:

Uổng xích nhi trực tầm

枉尺而直尋

(Khom lưng 1 xích, đứng thẳng 1 tầm)

          Tầm thường 尋常: 2 tầm là 1 thường. “Tầm thường” 尋常chỉ không dài, hoặc không rộng. Trong Hàn Phi Tử - Ngũ đố 韓非子 - 五蠹 có câu:

Bố bạch tầm thường, dung nhân bất thích

布帛尋常, 庸人不釋

(Loại vải vóc phổ thông tuỷ chi dài tầm thường, nhưng bách tính bình dân không không chịu bỏ)

Trong Điếu Khuất Nguyên phú 弔屈原賦 của Giả Nghị 賈賈誼:

Bỉ tầm thường chi ô độc hề, khởi năng dung thôn chu chi ngư!

彼尋常之汙瀆兮, 豈能容吞舟之魚

(Ngòi nước nhỏ hẹp kia, làm sao có thể chứa được loài cá lớn đến mức nuốt cả thuyền)

Dẫn đến nghĩa “phổ thông” “bình thường” (nghĩa hậu khởi). Trong Khúc giang thi 曲江詩 của Đỗ Phủ 杜甫 có câu:

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu

酒債尋常行處有

(Nợ tiền rượu khắp nơi là việc bình thường)

          Trong bài Ô y hạng 烏衣巷của Lưu Vũ Tích 劉禹錫:

Phi nhập tầm thường bách tính gia

飛入尋常百姓家

(Ngày nay chim yến đã bay vào nhà của bách tính bình thường)

          Trong Tây Hà từ 西河詞của Chu Bang Ngạn 周邦彥:

          Hướng tầm thường hạng mạch nhân gia, tương đối như thuyết hưng vong, tà dương lí.

          向尋常巷陌人家, 相對如說興亡, 斜陽里

          (Chim yến bay vào nhà bách tính bình thường. trong ánh tà dương chúng dường như nói với nhau chuyện hưng vong)

2- Tìm kiếm (nghĩa hậu khởi)

          Trong Đào Hoa nguyên kí 桃花源記của Đào Tiềm 陶潛 có câu:

Thái thú tức khiển nhân tuỳ cộng vãng, tầm hướng sở chí.

太守即遣人隨共往, 尋向所誌

(Thái thú liền sai người đi theo cùng, tìm nơi đã đánh dấu)

          Trong Tiến học giải 進學解của Hàn Dũ 韓愈:

Tầm truỵ tự chi mang mang

尋墜緒之茫茫

(Trong chốn mờ mịt xa xôi, tìm lấy những học thuyết Nho gia cổ đại đã bị thất truyền)

3- Phó từ: Sau đó chẳng bao lâu.

          Trong Trần tình biểu 陳情表của Lí Mật 李密có câu:

          Chiếu thư đặc há, bái thần Lang trung. Tầm mông quốc ân, trừ thần Tẩy mã.

          詔書特下, 拜臣郎中. 尋蒙國恩, 除臣洗馬.

          (Triều đình đặc biệt ban xuống chiếu thư, nhậm mệnh thần làm Lang trung; chẳng bao lâu lại được ân mệnh của nước nhà, nhậm mệnh thần giữ chức Tẩy mã)

Phân biệt “cầu”   “tầm” và “mịch”

          Với ý nghĩa là tìm kiếm, thì 3 chữ này là từ đồng nghĩa, nhưng có sự khác nhau tuỳ thời đại trước sau. Thời thượng cổ chỉ dùng “cầu” , như “Khắc chu cầu kiếm” 刻舟求劍 (Khắc vào mạn thuyền để tìm cây gươm), thời trung cổ về sau mới dùng “tầm” hoặc “mịch” . “Tầm” đa phần dùng tìm đồ vật, “mịch” đa phần dùng tìm người, nhưng sự khu biệt không hề nghiêm cách.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 08/03/2022

Nguyên tác Trung văn trong

CỔ ĐẠI HÁN NGỮ

古代漢語

(tập 3)

Chủ biên: Vương Lực 王力

Trung Hoa thư cục, 1998.

Previous Post Next Post