Dịch thuật: Khởi nguyên của Nguyên tiêu tiết (tiếp theo)

 

KHỞI NGUYÊN CỦA NGUYÊN TIÊU TIẾT

(tiếp theo)

          Đầu triều Tuỳ, có một đại thần hướng đến Tuỳ Văn Đế 隋文帝đề nghị cấm chỉ hoạt động Nguyên tiêu tiết, nguyên nhân là hoạt động náo Nguyên tiêu thịnh đại làm lãng phí tài lực, nam nữ tạp bạn làm tổn hại đến sự giáo hoá. Văn Đế thấy thiên hạ vừa mới ổn định, quốc lực có hạn, cũng xuất phát từ suy nghĩ về phương diện lễ giáo, đã hạ lệnh cấm chỉ hoạt động vui chơi Nguyên tiêu, còn có quan viên vì bất lực cấm Nguyên tiêu nên đã bị bãi quan. Nhưng con của Văn Đế, vị bạo quân Tuỳ Dượng Đế 隋炀帝nổi tiếng trong lịch sử lại ra sức đề xướng Nguyên tiêu, đồng thời phô trương treo đèn Nguyên tiêu, cùng hoạt động vui chơi. Tuỳ Dượng Đế còn nhiều lần vi phục thưởng ngoạn chợ đèn Nguyên tiêu. Theo Tuỳ thư – Dượng Đế kí 隋书 - 炀帝记 có nói:

          Lục niên Xuân Chinh nguyệt, Đinh Sửu, giác để đại hí vu Đoan Môn nhai, thiên hạ kì kĩ dị nghệ tất tập, chung nguyệt nhi bãi. Đế sổ vi phục quan chi.

          六年春正月, 丁丑, 角抵大戏于端门街, 天下奇伎异艺毕集, 终月而罢. 帝数微服观之.

(Mùa xuân tháng Giêng năm thứ 6, Đinh Sửu, có đấu vật tại phố Đoan Môn, những môn tạp kĩ kì lạ trong thiên hạ tập trung lại, đến cuối tháng mới bãi. Đế mấy lần vi phục đến xem.)

Đến thời Đường Huyền Tông 唐玄宗, mỗi khi đến rằm tháng Giêng, trong cung dùng tơ lụa kết thành đăng lâu cao 150 trượng, 20 đoạn, bên trên treo những chùm tua châu ngọc vàng bạc rủ xuống, chạm nhau phát ra tiếng kêu leng keng.

Thời Tống, sinh hoạt thành thị phát triển thêm một bước, đèn đuốc Nguyên tiêu càng thêm hưng thịnh. Để tô điểm thêm cảnh tượng thái bình, đế vương cùng dân gian cùng chung vui với nhau, Nguyên tiêu tiết đích thân lên ngự lâu yến ẩm thưởng đèn. Thời gian treo đèn từ 3 đêm mở rộng đến 5 đêm, tăng thêm hai đêm là 16 và 17, ban đầu chỉ hạn chế ở phủ Khai Phong 开封 tại kinh thành, về sau các châu quận địa phương bắt chước theo, thành thông lệ.

Sau khi triều Tồng triều Nguyên thay nhau, Nguyên tiêu vẫn truyền thừa. Nhưng Đăng tiết 灯节 cũng như những tiết mục vui chơi khác đề bị sự hạn chế của chính phủ, Đời Minh phục hưng toàn diện chế độ thời Tống, tập thục thả đèn Nguyên tiêu thời Vĩnh Lạc 永乐 kéo dài 10 ngày, bách quan kinh thành nghỉ 10 ngày. Thời gian thưởng đèn của dân gian mỗi nơi mỗi khác, nhìn chung là 3 đêm, 5 đêm, hoặc 10 đêm khác nhau. Từ trung kì đời Minh về sau, kinh tế thành thị phát triển tương đối lớn, được xem là Nguyên tiêu tiết với màu sắc sinh hoạt thành thị, có sự biểu hiện sinh động đương thời.

Phố đèn Nguyên tiêu đời Thanh vẫn náo nhiệt như trước, chỉ có điều thời gian treo đèn giảm bớt, nhìn chung là 5 đêm, rằm tháng Giêng là “chính đăng” 正灯. Theo ghi chép trong Yên Kinh tuế thời kí 燕京岁时记 của Phú Sát Đôn Sùng 富察敦崇, đèn đuốc Nguyên tiêu ở Bắc Kinh 北京, nơi Đông tứ bài lâu 东四牌楼 cùng Đại An Môn 大安门 là thịnh nhất. Thứ đến là Công bộ, Binh bộ, Đông An Môn 东安门, Tân Nhai Khẩu 新街口, Tây tứ bài lâu 西四牌楼 “cũng rất đáng xem”. Hoa đăng dùng sa lụa, pha lê chế tạo thành, bên trên có vẽ những câu chuyện cổ kim, Băng đăng 冰灯 là đăng phẩm đặc biệt của đời Thanh, do người Mãn từ quan ngoại đưa vào. Loại băng đăng này “hoa nhi bất xỉ, phác nhi bất tục” 华而不侈朴而不俗 (hoa lệ nhưng không xa xỉ, chất phác nhưng không thô tục), rất có tính thưởng thức.

Thời gian Nguyên tiêu tiết, dân gian phần nhiều ăn “nguyên tiêu” 元宵 (chè ỷ) để ứng với tiết, tượng trưng cả nhà đoàn viên. Ngoài ra còn có những hoạt động dân gian  vui chơi như treo hoa đăng, đố đèn, nghinh Tử Cô 紫姑 (1), đi cà kheo, múa sư, múa rồng … Lưu truyền đến nay những hoạt động khánh điển vui chơi tràn đầy náo nhiệt gọi là “náo Nguyên tiêu” 闹元宵.

Phụ nữ cổ đại Trung Quốc, ba bước không ra khỏi khuê môn, bình thường ban ngày cũng khó ra khỏi nhà, huống hồ là ban đêm, nhưng Nguyên tiêu tiết có thể phá lệ, tự nhiên tận hưởng vui thú, kết bạn với người khác giới, cho nên không ít nhưng câu chuyện tình yêu thời cổ Trung Quốc đều lấy Nguyên tiêu giai tiết làm đề tài.   (hết)

Chú của người dịch

1- Tử Cô 紫姑: Là vị nữ thần quản về nhà xí trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, cũng gọi là Tử Cô 子姑, Xí Cô 厕姑, Mao Cô 茅姑, Khanh Cô 坑姑, Khanh tam cô 坑三姑… Người đời cho rằng Tử Cô có thể biết trước, nên nghinh rước về nhà để bói mọi việc. Nguyên tiêu tiết có tập tục Nghinh Tử Cô.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 16/02/2022

Nguồn

TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ TINH TUÝ

中国民俗文化精粹

Chủ biên: Vương Lệ Na

Bắc Kinh: Tuyến trang thư cục, 2016.

Previous Post Next Post