Dịch thuật: Hữu cảnh cách tự cao (Nhân gian từ thoại)

 

HỮU CẢNH CÁCH TỰ CAO 

          Tác phẩm từ lấy cảnh giới làm tối thượng. Có cảnh giới thì phẩm cách cao tự thành. Từ của thời Ngũ Đại, thời Tống sở dĩ độc tuyệt là ở điểm này. 

          Vương Quốc Duy 王国维 dùng “cảnh giới” 境界 để bình từ là vốn bắt nguồn từ thuyết “vật cảnh” 物境, “tình cảnh” 情境, “ý cảnh” 意境 mà Vương Xương Linh 王昌龄 thời Đường luận từ. Ông đem “ý cảnh” 意境 lí giải là “cảnh giới” 境界. Theo lí giải của tôi, những gì mà thuyết “cảnh giới” 境界này bàn đến phải là cảnh giới nhân sinh của cá nhân biểu hiện ra trong tác phẩm từ của mình, nó không chỉ là nghệ thuật, mà còn là triết học. Chính như một người nếu tâm thuật bất chính, thì những gì viết ra chắc chắn sẽ không có được thành tựu to lớn, bởi vì văn tự luôn vô tình thấu lộ thế giới nội tâm của cá nhân, cho dù tác phẩm từ mà anh viết ra là thẳng thắn vô tư, hay là anh dùng văn tự để che giấu nội tâm của anh. Bài từ mà anh viết là thẳng thắn vô tư, thì điều mà hiển lộ chính là tấm lòng thẳng thắn vô tư của anh; còn anh dựa vào văn tự để trang sức bản thân hoặc giả che giấu nội tâm, thì điều mà văn tự cuối cùng sẽ hiển lộ chính là tâm hư vinh của anh hoặc sự tự ti được che giấu. Không chỉ trong từ là như thế, mà trong văn tự của bất kì ai cũng đều như thế.

          Người mà có cảnh giới nhân sinh chân chính mới có thể viết ra tác phẩm chấn động lòng người. Tác phẩm như thế, hoàn toàn không phải là muốn người đời ngẩng đầu để xem, mà trong lòng mặc niệm: Đó là cao thượng biết bao, ta ti tiện biết bao.

          Tiếp xúc lâu với một người, bạn sẽ dần biết rõ tính cách của người đó, văn tự của một người cũng bộc lộ ra khớp với tính cách của họ, cho dù anh cải biến như thế nào, văn tự cứ như bóng với hình, giống như tấm kính luôn phản chiếu anh.

          Vương Quốc Duy tiên sinh là người sớm đã hiểu rõ mối quan hệ giữa văn tự với người. Cái mà gọi là “văn học tức nhân học” 文学即人学. Thuyết “cảnh giới” mà ông đề xuất so với “ý cảnh” càng rộng, càng chuẩn xác hơn, “ý cảnh” chỉ là bầu không khí do tác phẩm từ tạo ra, là tình cảm mà nó biểu đạt, còn “cảnh giới” thì trong tác phẩm từ phô triển ra đại trí tuệ của cá nhân trong đời sống nhân sinh.

          Có cảnh giới là một loại thuần tuý trong nhân sinh. Thuần tuý không phải là đơn nhất như người bình thường nói, hoặc đơn giản thì có thể khái quát được việc khứ nguỵ tồn chân 去伪存真 (loại bỏ điều hư nguỵ, giữ lấy sự chân thực) . Điều mà thuần tuý chỉ, đó là sự trong sạch trong thế giới tinh thần, có sự trong sạch này mới có thể phát tán được trí tuệ chân chính, một cánh giới rộng lớn.

          Một tác phẩm chân chính có thể đối thoại cùng tâm linh của con người, có thể nâng cao cảnh giới nhân tâm. Tác phẩm như thế nhất định là đại trí tuệ từ trong cuộc sống có được, tự ta có được sự cứu chuộc, mới có thể ảnh hưởng đến tha nhân, trước tiên tự cứu mình mới có thể cứu người.

          Hữu cảnh cách tự cao 有境格自高 (có cảnh giới, thì phẩm cách sẽ tự cao), có cảnh giới là khí độ cao quý chân chính trong văn tự.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 24/02/2022

Nguồn

NHÂN GIAN TỪ THOẠI

人间词话

Tác giả: Vương Quốc Duy 王国维

Biên soạn: Phạm Nhã 范雅

Nam Kinh: Giang Tô Nhân dân xuất bản xã, 2016

Previous Post Next Post