Dịch thuật: Táo Vương Gia (kì 1)

 

TÁO VƯƠNG GIA

(kì 1)

          Về lai lịch có liên quan đến Táo Vương Gia 灶王爷có rất nhiều thuyết. Trong chư thần dân gian Trung Quốc, tư cách của Táo thần được xem là rất lớn. Theo truyền thuyết, thần cách của Táo thần sớm từ triều Hạ đã định, dân gian lúc bấy giờ bắt đầu thờ cúng. Một số sách vở có chép: Hoàng Đế皇帝, Viêm Đế 炎帝, Chúc Dung 祝融, Toại Nhân thị 燧人氏, “Hoả quan” 火官 của Thần Nông thị 神农氏, Tô Cát Lợi 苏吉利… những vị đại thần tiên này đều từng kiêm chức Táo thần. Đến thời Xuân Thu, Táo thần xuất hiện khuynh hướng thế tục hoá, truyền thuyết Táo thần chuyển mình một cái biến thành bà lão, Thời Đường, lại có truyền thuyết Táo thần là một lãng tử họ Trương tên Đan , tự Tử Quách 子郭. Tóm lại, lai lịch của Táo Vương Gia như thế nào? Nhiều thuyết khác nhau. Đối với vần đề Táo Vương Gia rốt cuộc là ai, chúng ta không đi truy cứu. Ở đây chủ yếu tập trung giải thích vấn đề con người đối với chức năng của Táo Vương Gia cùng vì sao người ta phải tế Táo.

1- Thuyết trong “Hoài Nam Tử” 淮南子

          Trong bộ Hoài Nam Tử 淮南子thời Tây Hán có nói, có một vị thần linh trú lâu dài trong nhà người ta, là vị thần linh được Ngọc Đế phái xuống nhân gian, vị thần đó chính là Táo thần, là Táo Vương Gia mà dân gian thường nói. Bắt đầu từ ngày trừ tịch của năm trước, Táo Vương Gia luôn ở trong nhà, ngồi cao trên khám thờ trên bếp, giám sát ngôn hành của một nhà. Đối với ngôn hành của một nhà, Táo Vương Gia ghi chép lại tỉ mỉ để tiện việc báo cáo. Đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Vương Gia sắp xếp việc, đem ghi chép của cả năm chỉnh lí lại, lên thiên đình trực tiếp báo với cấp trên là Ngọc Hoàng Đại Đế những thiện ác của nhà nọ. Điều đó vẫn chưa là gì, việc báo cáo của Táo Vương Gia trực tiếp ảnh hưởng vận mệnh năm tới của một nhà. Đối với một nhà mà nói, Việc Táo Vương Gia mở miệng quả thực là rất lợi hại, không thể thờ ơ. Hôm Táo Vương Gia lên trời, phải đối đãi trang nghiêm long trọng. Làm như thế, chính là lưu lại ấn tượng tốt trước khi Táo Vương Gia lên đường, báo cáo nhiều điều tốt, quên đi những sự tình sai sót thường ngày trong một năm. Cho nên, bất luận là từ giác độ nào mà nói, nghi thức cử hành là tất yếu, xưng vị nghi thức tống Táo này trở thành “tế Táo” 祭灶, “tống Táo” 送灶 hoặc “từ Táo” 辞灶. Đó chính là lai lịch vì sao mọi người tế Táo vào ngày tết ông Táo.

2- Thuyết Trương Táo Vương hiển linh

          Truyền thuyết kể rằng, thời cổ có một nhà nọ, họ Trương . Nhà có hai anh em, người anh làm thợ xây, còn người em là thợ vẽ. Theo sự phân công chức nghiệp hiện tại, người anh cũng coi như là một công nhân kiến trúc, lợi hại hơn một chút chính là kiến trúc sư, người em là hoạ sĩ, Người anh giỏi nhất là xây bếp lò, tay nghề nổi tiếng gần xa. Người anh không chi tay nghề giỏi mà cũng là một người tốt. Gặp lúc hàng xóm tranh chấp, chị em dâu đánh nhau, mẹ chồng nàng dâu tranh cãi, người anh giống như bậc trưởng bối đến khuyên nhủ. Về sau,

nhà ai cãi nhau, anh ta đều tìm đến nói một tiếng. Ngày tháng lâu dần, người anh trở thành một người có uy vọng trong thôn, mọi người đểu rất tôn kính, gọi anh ta là Trương Táo Vương 张灶王. Cho nên, chỉ cần anh ra mặt, mọi người đều nể, sự việc yên ổn trở lại.

          Nhưng, người tốt cũng có ngày qua đời. Ngày 23 tháng Chạp năm nọ, Trương Táo Vương rời xa cõi trần, sống được 70 tuổi. Người anh mất đi, nhà họ Trương giống như bị sụp, loạn cả lên. Trước đó là một đại gia đình, hôm nay giống như sau khi kết hôn lại sống một mình. Trương Táo Vương là gia chủ, quản mọi việc trong gia đình, việc lớn việc nhỏ đểu hỏi qua Trương Táo Vương, người trong nhà cũng nghe lời anh dặn dò. Hiện tại người anh đã mất, người em chỉ biết làm thơ vẽ tranh, những việc khác đều không thông, trong nhất thời không biết phải làm thế nào.

          Việc trong nhà giống như một mớ bong bong, mấy bà dâu thấy Trương Táo Vương qua đời đều đòi phân chia gia tài, người em tuy tuổi cũng đã lục tuần nhưng lại không có cách gì. Anh ta vò đầu bứt trán, cuối cùng cũng nghĩ ra một cách, liền nhanh chóng hành động. Ngày 23 tháng Chạp năm sau là ngày mất Trương Táo Vương tròn một năm, theo dân gian phải cử hành cúng tế.  Đêm khuya hôm đó, người em đột nhiên hét lớn làm mọi người trong nhà thức giấc. Người em nói rằng, anh trai hiển linh mau đến xem. Thế là, mấy bà dâu cùng cả nhà lớn nhỏ theo người em đến gian bếp, phát hiện trên vách bếp đen kịt có ánh đuốc lấp lánh lúc ẩn lúc hiện, trong ánh đuốc xuất hiện khuôn mặt Trương Táo Vương và người vợ cũng đã mất từ lâu, cả nhà hoảng sợ. Tiếp đó người em nói rằng:

          - Tôi nằm mộng thấy anh và chị dâu đã thành thần tiên, Ngọc Đế phong làm ‘Cửu Thiên Đông Trù Tư Mệnh Táo Vương Phủ Quân’ 九天东厨司命灶王府君. Cả nhà thường ngày chỉ biết ăn mà nhác làm, chị em dâu bất hoà, bất kính bất hiếu, náo loạn đến nỗi gà chó cũng không yên. Anh trai biết mọi người đòi phân chia gia tài nên vô cùng tức giận, chuẩn bị lên trời báo cáo cùng Ngọc Đế, đêm  đến về lại hạ giới sẽ trừng phạt mọi người đó.

          Con cháu cùng mấy bà dâu nghe qua, kinh sợ bất an, vội đi lấy mấy món mà Trương Táo Vương lúc sinh tiền thích ăn dâng lên trên bếp, quỳ xuống khấu đầu, khẩn cầu Táo Vương Gia bỏ những sai sót trước đây, tha tội cho họ.

          Như vậy, chú bác anh em và dâu thường ngày hay cãi nhau giờ không dám nữa, cả nhà ở cùng nhau, đối xử hoà nhã, cũng không đòi phân chia gia tài. Không có bức tường nào mà không lọt gió, chuyện đó một đồn mười, mười đồn trăm, làng xóm đều biết, chạy đến nhà họ Trương hỏi thăm nguồn cơn sự việc. Đêm 23 tháng Chạp đó, người em tự mình tính trước vẽ ra bức hoạ rồi dán lên. Muốn mượn việc người anh hiển linh để trấn áp mọi người, không ngờ chút việc đó còn được dùng. Khi bà con trong thôn nghe qua, sự việc đó không thể nói ra, đành diễn tiếp vở tuồng, chuyện giả mà làm thiệt. Để biểu minh tính chân thực, anh ta lại còn vẽ tượng Táo Vương Gia tặng cho bà con. Như vậy, nơi bệ thờ ông Táo của mọi nhà đều dán tượng Táo Vương Gia. Về sau, tập tục vào ngày 23 tháng Chạp cúng Táo Vương Gia, cầu cả nhà được bình an được lưu truyền….. (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 25/01/2022

                                                          23 tháng Chạp năm Tân Sửu

Nguồn

TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ TINH TUÝ

中国民俗文化精粹

Chủ biên: Vương Lệ Na

Bắc Kinh: Tuyến trang thư cục, 2016.

Previous Post Next Post