Dịch thuật: Ngoại du và nội quan (Đạo kinh cố sự)

 

NGOẠI DU VÀ NỘI QUAN

 

          Theo Xung hư chí đức chân kinh 冲虚至德真经

          Thời trẻ, Liệt Tử 列子 rất thích lữ du. Hồ Khâu Tử 壶丘子nói với Liệt Tử rằng:

          - Này Ngự Khấu 御寇 (tên của Liệt Tử), ông thích lữ du như thế, tôi thật không biết lữ du có gì hay?

          Liệt Tử đáp rằng:

          - Lạc thú của lữ du là ở chỗ những thứ mà chúng ta quan sát và thưởng thức được đều là mới mẻ. Việc lữ du của người khác chủ yếu ở chỗ sở kiến sở văn, còn của tôi chủ yếu là quan sát sự biến hoá của mọi vật. Tuy đều là lữ du, nhưng không có ai có thể hiểu rõ sự sai biệt và bất đồng trong đó.

          Hồ Khâu Tử nói rằng:

          - Việc lữ du của Ngự Khấu và của người khác kì thực không có gì khác nhau, nhưng ông lại tìm lí do để nói lữ du của mình khác với người khác. Phàm là kiến văn của con người, đều thấy sự biến hoá của sự vật. Anh nhìn thấy sự biến hoá không ngừng ở chỗ này, tôi cũng nhìn thấy sự biến hoá không ngừng ở chỗ kia. Hiện tại, người ta đều xem trọng ngoại du mà không biết nội quan. Kì thực, đối với một cá nhân mà nói, chú trọng việc ra ngoài lữ du không bằng chú trọng tu thân nội quan. Người ngoại du, thường cường điệu các loại cơ cấu và sự hoàn bị của vật phẩm. Còn người tu hành nội quan, thì không ngừng làm cho tự thân được hoàn thiện. Mục đích của lữ du đều là khiến cho bản thân có được thân tâm khoái lạc và hoàn thiện, ngoại du cố nhiên có thể ở một trình độ nào đó đạt được mục đích đó, nhưng tu hành nội quan mới là phương pháp căn bản nhất, nhân đó mà nó cũng có thể khiến tự thân có được sự hoàn thiện cuối cùng. Ngược lại, người ngoại du đem sức chú ý của mình đặt lên ngoại vật, thường coi nhẹ sự hoàn thiện tự thân, cho nên ngược lại nó không đạt được mục đích căn bản của lữ du.

          Liệt Tử nghe qua mấy lời đó, cảm thấy vô cùng xấu hổ, cảm thấy mình đối với việc lữ du không biết gì. Từ đó về sau, ông không xuất du nữa. Lúc này, Hồ Khâu Tử lại nói:

          - Liệt Tử đã đạt đến cực trí của lữ du. Người đạt đến cực trí của lữ du không còn biết đi đến nơi đâu; còn người đạt đến cực trí quan sát, cũng không còn biết quan sát cái gì. Trên thực tế, họ đã đạt đến cảnh giới bất du nhi du, bất quan nhi quan. Sự quan sát của họ đối với mỗi sự vật đều là một loại “du”, mỗi sự việc mà họ trải qua cũng là một loại “quan”, đó cũng là cái du chân chính, cái quan chân chính. Du đạt đến cực trí, quan cũng có ở trong đó; mà quan đạt đến cực trí, thì du cũng có ở trong đó.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 10/01/2022

Nguyên tác Trung văn

NGOẠI DU DỮ NỘI QUAN

外游与内观

Trong quyển

ĐẠO KINH CỐ SỰ

道经故事

Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉

Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002

Previous Post Next Post