Dịch thuật: Truyền thuyết "Nhất tuyến thiên"

 

TRUYỀN THUYẾT “NHẤT TUYẾN THIÊN”

          Tương truyền tại Đạt Thất 达室vào thời cổ, có vị thần tên Phục Hi 伏羲, một năm nọ đến núi Vũ Di 武夷, thấy hai bên bờ Cửu Khúc khê 九曲溪 đời sống của bách tính rất thê lương, trải qua những ngày tháng nghèo khổ bên cạnh non xanh nước biếc. Thế là Phục Hi bèn lưu lại núi Vũ Di, chọn một nham động để cư trú, ban ngày dạy bách tính hái cây đay rừng, se thành sợi, ban đêm dạy họ đan lưới bắt cá bắt chim. Nhưng, ban đêm nơi nham động tối om om không có chút ánh sáng nào, bên ngoài động thì gió lạnh gào thét, bầy thú lúc ẩn lúc hiện. Làm thế nào đây? Nếu như có thể đục trên vách núi một cái lỗ, để ánh trăng rọi vào thì có thể đan được lưới. Sao chẳng lên thiên cung mượn chiếc búa ngọc. Phục Hi lên thiên đình, nói rõ ý định của mình với Ngọc Đế. Ngọc Đế rất vui mừng, bảo Phục Hi đến kho vũ khí lấy búa ngọc. Sau khi Phục Hi mượn được búa ngọc, vội trở về núi Vũ Di. Phục Hi bước lên đỉnh núi, giơ cao búa bổ xuống một nhát, chỉ nghe một tiếng “ầm”, vách núi bị bổ làm hai nửa. Từ đó, Phục Hi lợi dụng ánh sáng trăng rọi qua khe hở, quanh năm suốt tháng dạy bách tính nghề để mưu sinh. Từ đó về sau, cuộc sống của bách tính ở hai bên bờ Cửu Khúc khê 九曲溪đã dần thay đổi. Để ghi nhớ ân tình của Phục Hi, người đời sau bèn gọi nham động mà Phục Hi năm đó cư trú là “Phục Hi động” 伏羲洞, còn khe hở giữa hai nửa vách núi gọi là “Nhất tuyến thiên” 一线天.

                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                     Quy Nhơn 29/12/2021

Nguyên tác Trung văn

NHẤT TUYẾN THIÊN ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT

一线天的传说

Trong quyển

THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH

THẦN THOẠI CỐ SỰ

青少年最喜欢的

神话故事

Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明

Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002

Previous Post Next Post