Dịch thuật: Trường không sổ điểm nhạn (337) (Đặng Trần Côn: Chinh phụ ngâm)

 

TRƯỜNG KHÔNG SỔ ĐIỂM NHẠN (337)

長空數點雁

Trên bầu trời mênh mông điểm vài con chim nhạn

          Trường không 長空/长空: Chỉ bầu trời mênh mông. Thành ngữ Trung Quốc có câu “Nhạn quá trường không” 雁过长空. Thành ngữ này xuất xứ từ câu nói của thiền sư Thiên Y Hoài Nghĩa 天衣怀义 thời Tống được chép trong Ngũ đăng hội nguyên 五灯会元 quyển 14 của Thích Phổ Tế 释普济 đời Tống:  

Nhạn quá trường không, ảnh trầm thuỷ để. Nhạn vô di tung chi ý, thuỷ vô trầm ảnh chi tâm.

          雁过长空, 影沉水底. 雁无遗踪之意, 水无沉影之心.

          (Khi chim nhạn bay ngang qua trên mặt nước, bóng của nó chìm trong nước. Chim nhạn vốn không có ý lưu lại dấu vết, mà nước cũng chẳng có lòng lưu lại bóng của chim.)

          Đây là một loại cảnh giới luận thiền, hình dung nội tâm của bản thân như dòng sông lạnh trong veo, ngoại vật giống như chim nhạn lướt qua trên bầu trời mênh mông, bóng chim chìm trong nước, mà nước không hề bị khuấy động. Vạn vật trên thế gian biến hoá vô cùng, hết thảy đều lưu lại trong tâm, nhưng tâm linh vẫn bằng phẳng như nước không hề gợn sóng.

https://zhidao.baidu.com/question/563336955.html

            Trong thơ cổ Trung Quốc, thường thấy hình ảnh chim nhạn gắn với “trường không”, như Thành Thứu 成鹫đời Thanh ở bài Văn nhạn tạp vịnh (kì nhất) – Sương lâm văn nhạn 闻雁杂咏 (其一) - 霜林闻雁 viết rằng:

Phồn sương biến nguy lục

Diệp diệp tác thu thinh

Nhiễu thụ nhất vi thính

Trường không sổ nhạn minh

Phiêu linh vô định sở

Viễn cận tự phân minh

Cộng hữu kiên băng giới

Cao phi khiếp dã tình

繁霜变危绿

叶叶作秋声

绕树一为听

长空数雁鸣

飘零无定所

远近自分明

共有坚冰戒

高飞惬野情

(Sương dày bao phủ làm biến đổi màu xanh của lá

Lá cây xào xạc gây ra tiếng thu

Vòng quanh cây nghe thấy

Trên bầu trời mênh mông vài tiếng nhạn kêu

Chúng phiêu linh không có nơi dừng nhất định

Xa gần hàng lối đều rất rõ ràng

Chúng cùng phòng những hiểm hoạ khốn khó

Bay cao vui nơi đồng nội)

http://www.chengyuso.com/zishici_axxtqigytipk/

Câu 337 và câu 338:

Viễn phố nhất quy châu

遠浦一歸舟

bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của Đoàn Thị Điểm là:

Nhạn bay không sóng giục thuyền câu (286)

Bản Chinh phụ ngâm khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương, nxb Tân Việt, in năm 1953 là:

Nhạn LIỆNG không, sóng giục thuyền câu

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                            Quy Nhơn 09/12/2021

Previous Post Next Post