Dịch thuật: Nghê Khoan (Tể tướng Trung Quốc)

 

NGHÊ KHOAN 

          Nghê Khoan 倪宽 (? – năm 103 trước công nguyên), Phó tướng triều Vũ Đế 武帝 thời Tây Hán, một trong những hiền tướng thời Tây Hán. Nghê Khoan từng cùng với Tư Mã Thiên 司马迁 chế định “Thái Sơ luật” 太初律, đặt cơ sở vững chắc cho lịch pháp Trung Quốc. Mất vì bệnh.

          Nghê Khoan 倪宽 người Thiên Thặng 天乘 (nay là phía đông bắc Cao Thanh 高青 tỉnh Sơn Đông 山东). Từ lúc trẻ từng theo học “Thượng thư” 尚书 với Nho sĩ Âu Dương Sinh 欧阳生, sau lại thụ nghiệp với danh Nho Khổng An Quốc 孔安国. Gia cảnh bần hàn, có một dạo làm đầu bếp cho bạn học để duy trì sinh kế. Ông học tập khắc khổ, tiến bộ rất nhanh, thi trúng xạ sách được bổ làm Đình uý văn học tốt sử 廷尉文学卒史.

          Con người Nghê Khoan ôn lương văn nhã nhưng thế chất yếu, giỏi văn nhưng sợ võ. Đương thời, Trương Thang 张汤nhậm chức Đình uý 廷尉, những người sử dụng trong phủ đều là “đao bút lại” 刀笔吏 (1) hiểu biết pháp luật. Trương Thang cho rằng Nghê Khoan không rành công việc của lại, bèn đổi ông sang làm tùng sử, phái đến phía bắc quản lí số bò dê của phủ Đình uý. Sau mấy năm, ông về lại phủ, trình sổ sách, Duyện sử 掾史trong phủ xem không hiểu, viết không ra tấu chương, đành phải nhờ ông viết thay. Sau khi viết xong, các Duyện sử đọc qua đều thán phục. Trương Thang biết được, lập tức cho triệu kiến bàn luận, vô cùng tán thưởng tài năng, thăng ông làm duyện sử chuyên chủ viết văn thư tấu chương. Phàm tấu chương do ông viết, một khi dâng lên đều được phê chuẩn, ngay cả Vũ Đế cũng rất tán thưởng. Từ đó, ông từng bước lên cao, trước tiên làm Tấu nghiện duyện 奏谳掾, chủ trì thẩm lí án kiện có chỗ nghi nan. Sau khi Trương Thang được thăng làm Ngự sử đại phu, lại thăng ông làm Thị ngự sử 侍御史. Chẳng bao lâu, Vũ Đế triệu kiến ông, trước mặt luận bàn kinh học, nghe ông giảng rất mạch lạc, bèn cất nhắc ông làm Trung đại phu 中大夫, chuyển sang Tả nội sử 左内史.

          Đương thời, quan viên đối với bách tính đa phần đều nghiêm khốc, hình thành phong khí ác liệt bóc lột bách tính. Nghê Khoan sau khi nhậm Tả nội sử, đối với bách tính vô cùng khoan hoà và thương xót. Ông khuyến khích việc nông tang, khoan nhẹ hình phạt, đơn giản pháp luật, biện án rất công bình, lấy lễ đãi kẻ sĩ. Quan viên mà ông nhậm dụng đa phần được tuyển chọn từ những kẻ sĩ nhân ái trung hậu, hết lòng làm việc tốt cho bách tính, tự mình lại không cầu thanh danh. Nhân đó, thuộc quan và bách tính đều rất yêu quý ông. Triều đình xuất binh, cần các quan tự trưng điều quân lương, Nghê Khoan căn cứ vào tình hình giàu nghèo của bách tính, người giàu thì thu nhiều, người nghèo thì thu ít, thậm chí cho phép tạm thiếu chưa giao. Như vậy, tô thuế mà ông trưng thu là ít nhất, theo lệ sẽ bị bãi quan. Bách tính sau khi nghe nói, sợ ông bị bãi chức, lập tức hăng hái giao nộp tô thuế, trong nhất thời, nhà giàu dùng xe trâu chở đến, nhà nghèo gánh đến, người nộp tô thuế nhiều không dứt, khiến việc trưng thu của ông phút chốc trở nên nhiều nhất. Vũ Đế sau khi biết tin, cảm thấy kì lạ, đồng thời càng tin tưởng trọng dụng ông.

          Năm 110 trước công nguyên, Nghê Khoan được thăng nhậm Ngự sử đại phu 御史大夫, làm Phó tướng 副相. Tướng quốc nước Lương là Chư Đại 诸大tinh thông ngũ kinh, nhậm chức Bác sĩ 博士, Nghê Khoan từng đến làm đệ tử. Lúc khuyết Ngự sử đại phu, triều đình triệu Chư Đại vào triều, Chư Đại cho rằng mình nhất định sẽ được bái làm Ngự sử đại phu, nhưng khi đến Lạc Dương 洛阳, nghe tin Nghê Khoan đã nhậm chức đó, trong lòng không phục, lại còn cười lớn châm biếm ông. Đợi khi vào kinh thành, thấy Nghê Khoan xử lí sự việc rất có hiệu quả, mới biết mình chỉ là học sinh của ông, thán phục rằng: “Hoàng thượng quả thực biết nhận ra người tài”.

          Thời gian Nghê Khoan nhậm chức quan, còn coi trọng việc xây dựng thuỷ lợi. Ông tổ chức nhân lực cho đào 6 con kênh nhỏ ở bờ nam kênh ở thượng du của nước Lương, gọi là “lục phụ cừ” 六辅渠, khiến cho vùng đất cao thấp chung quanh đều được tưới tiêu. Thái sử lệnh Tư Mã Thiên thấy lịch pháp hỗn loạn, tấu xin trùng đính luật pháp. Vũ Đế liền mệnh Nghê Khoan cùng Tư Mã Thiên chế định “Thái Sơ luật” 太初律, cống hiến cho sự phát triển lịch pháp Trung Quốc.

          Năm 103 trước công nguyên, Nghê Khoan bệnh và mất tại Nhậm Thượng 任上.

Chú của người dịch

1- Đao bút lại 刀笔吏: Chỉ quan lại nắm giữ hồ sơ sổ sách. Thời cổ, người xưa khi viết lên những thẻ tre thẻ giản, nếu có chỗ sai sẽ dùng đao gọt bỏ viết lại. Cho nên những người đi học hoặc chính khách thường mang theo đao và bút bên người để tiện sửa chỗ sai, vì thế “đao” và “bút” đi chung với nhau. Quan viên văn chức các đời cũng đều xưng là “đao bút lại”.

https://baike.baidu.com/item/%E5%88%80%E7%AC%94%E5%90%8F/5133870

                                                                  Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 27/12/2021

Nguyên tác Trung văn

NGHÊ KHOAN

倪宽

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post