Dịch thuật: Chữ "đạo" 盜 và chữ "tặc" 賊 trong Hán ngữ cổ (Vương Lực)

 

CHỮ “ĐẠO” VÀ CHỮ “TẶC” TRONG HÁN NGỮ CỔ 

ĐẠO

Ăn trộm.

          Trong Tả truyện – Văn Công thập bát niên 左傳 - 文公十八年 có ghi:

Đạo khí vi gian

盜器為姦

(Ăn trộm khí vật là kẻ gian)

          Trong Tuân Tử - Bất cẩu 荀子 - 不苟:

Đạo danh bất như đạo hoá

盜名不如盜貨

(Kẻ trộm danh dự không bằng kẻ trộm tài vật)

          (Hoá : Tài vật)

          Và là danh từ. Kẻ ăn trộm đồ vật, kẻ cắp.

          Trong Luận ngữ - Nhan Uyên 論語 - 顏淵 có câu:

Quý Khang Tử hoạn đạo.

季康子患盜

(Quý Khang Tử lo lắng kẻ trộm cắp)

          Và ở thiên Dương Hoá 陽貨:

Kì do xuyên du chi đạo dã dư?

其猶穿窬之盜也與?

(Giống như kẻ trộm trèo tường khoét vách chăng?)

          (Xuyên du 穿窬: Đục vách nhảy qua tường)

          Trong Trang Tử - Khư khiếp 莊子 - 胠篋:

Tương vị khư khiếp thám nang phát quỹ chi đạo nhi vi thủ bị.

將為胠篋探囊發匱之盜而為守備

(Để đối phó với kẻ trộm cạy rương, móc túi, mở tủ phải chuẩn bị đề phòng) 

TẶC

1- Huỷ, hại.

          Trong Luận ngữ - Tiên tiến 論語 - 先進có câu:

Tặc phù nhân chi tử

賊夫人之子

(Hại con của người ta)

          Lại đặc chỉ sát hại. Trong Tả truyện – Tuyên Công nhị niên 左傳 - 宣公二年có ghi:

Sử Sừ Nghê tặc chi

使鉏麑賊之

(Sai Sừ Nghê sát hại người đó)

          Và là danh từ, chỉ kẻ bại hoại. Trong Luận ngữ - Dương Hoá 論語 - 陽貨có câu:

Hương nguyện, đức chi tặc dã.

鄉原,德之賊也

(Kẻ hương nguyện là kẻ làm bại hoại đạo đức)

          Dẫn đến nghĩa hung hãn, tàn độc. Trong Sử kí – Du hiệp liệt truyện 史記 - 遊俠列傳có câu:

Thiếu thời âm tặc.

少時陰賊

(Lúc trẻ âm hiểm tàn ác)

2- Kẻ làm trái pháp luật, làm loạn kỉ cương, phạm thượng tác loạn.

          Trong Tả truyện – Tuyên Công nhị niên 左傳 - 宣公二年 có câu:

Phản bất thảo tặc.

反不討賊

(Quay trở về mà không trừng phạt hung thủ) 

Phân biệt “đạo” và “tặc”

          Khi dùng làm động từ, thời cổ chữ “đạo” chuyên chỉ ăn trộm, còn “tặc” chỉ huỷ hại.

          Khi dùng làm danh từ, chữ “đạo” nhìn chung chỉ kẻ ăn trộm, còn chữ “tặc” chỉ loạn thần.

          Hai chữ “đạo” “tặc” đi chung với nhau, ý nghĩa ở thời cổ và ý nghĩa thời hiện đại chênh lệch tương phản không nhiều. Gọi là “tặc” trong tiếng phổ thông hiện đại (chỉ kẻ ăn trộm), thì thời cổ gọi là “đạo” ; còn hiện tại gọi là “cường đạo” 強盜 thì thời cổ gọi là “tặc” .

          Trong Tuân Tử - Nho hiệu 荀子 - 儒效 có câu:

Cố nhân vô sư vô pháp, nhi trí (trí) tắc vi đạo, dũng tắc vi tặc.

故人無師無法, 而知 () 則為盜, 勇則為賊.

(Cho nên, người mà không có thầy, không có pháp độ, nếu có trí tuệ tất sẽ là kẻ trộm, nếu dũng cảm tất sẽ là kẻ cướp).

          Có thể thấy, “đạo” là kẻ trộm, “tặc” là kẻ cướp. Đương nhiên thời cổ “cường đạo” 強盜 cũng có thể gọi là “đạo” , ví dụ Đạo Chích 盜跖 chính là thủ lĩnh của cường đạo trong truyền thuyết. Nhưng trộm đồ quyết không gọi là “tặc” .

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 30/11/2021

Nguyên tác Trung văn trong

CỔ ĐẠI HÁN NGỮ

古代漢語

(tập 1)

Chủ biên: Vương Lực 王力

Trung Hoa thư cục, 1998.

Previous Post Next Post