Nghiên cứu: "Thuyền trà" hay "thiền trà" ở câu 1991 trong "Truyện Kiều"

 

“THUYỀN TRÀ” HAY “THIỀN TRÀ”

Ở CÂU 1991 TRONG "TRUYỆN KIỀU"

1- Bản kinh đời Tự Đức 1870 do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị là:

Thuyền trà cạn chén hồng mai (câu 1995)

Chữ khắc là 船茶 (thuyền trà). Chú rằng:

          “Thuyền trà: bản LVĐ (Liễu Văn Đường) và bản LNP (Lâm Noạ Phu) đều viết là船茶. Bản Tăng Hữu Ứng viết là 禪茶 thì đúng cả chữ và nghĩa. Sở dĩ có bản viết chữ hoặc vì chữ ấy cũng chỉ là ghi âm cho chữ phạn Dhyana tức thiền na mà sau người ta rút gọn lại thành thiền để chỉ Phật gia, Phật tự, tăng già. Ngày trước người ta vẫn thường gọi cửa chùa là cửa thiền.”

2- Bản Nôm cổ nhất, Liễu văn Đường 1871 do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị là:

Thuyền trà cạn nước hồng mai (câu 1991)

Chữ khắc là 船茶 (thuyền trà).

3- Bản Duy Minh Thị do An Chi phiên âm, chú giải và thảo luận: 

Thuyền trà rót nước hồng mai (câu 1991)

Chữ khắc là 船茶 (thuyền trà). Chú rằng:

          “Đây hẳn hoi là chữ thuyền [], không phải thiền []. Do hai chữ trà thuyền [茶船] là cái đĩa lót li, lót tách, v.v...”

4- Bản do Nguyễn Khắc Bảo – Nguyễn Trí Sơn phiên âm và khảo đính:

Thiền trà cạn nước hồng mai (câu 1991)

Chữ khắc là 船茶 (thuyền trà) nhưng phiên âm là “thiền trà”.

5- Bản “Kim Vân Kiều tân truyện”  (Lê Phủ lưu tặng. Lê gia trân dụng) chỉ có chữ Nôm, không có phiên âm:

(Thiền trà cạn nước hồng mai)

Chữ khắc là 禪茶 (thiền trà).

          6- Trong Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh chỉ có phiên âm, không có chữ Nôm:

Thiền trà cạn nước hồng mai(câu 1991)

Giải thích “thiền trà”: Chè của nhà chùa.

          7- Bản “Kim Vân Kiều” của Bùi Khánh Diễn chú thích chỉ có phiên âm, không có chữ Nôm:

Thuyền trà cạn nước hồng mai (câu 1991)

          Chú rằng:

Phật gia: Dĩ mai mộc chử tác trà thuỷ

佛家: 以梅木煮作茶水

(Nhà Phật: Lấy gỗ mai nấu làm nước trà uống)

          8- Trong “Nguyễn Du toàn tập” (tập 2) của Nhà xuất bản Văn học, chỉ có phiên âm, không có chữ Nôm:

Thiền trà cạn nước hồng mai (câu 1991)

          Chú rằng:

          Thiền trà: (thiền hoặc thuyền chỉ nhà chùa) chén trà của nhà chùa.

          Hồng mai: theo Hồ Đắc Hàm là tên một thứ trà. Sách Loại lâm chép rằng: Nước Tân La thuộc về châu Ấn Độ có nhiều cây hải hồng tức là trà trên núi, sắc đỏ lợt mà lá nhỏ hơn lá trà, nở hoa từ tháng chạp đến tháng hai, đồng thời với hoa mai nên gọi là trà mai hay hồng mai. Các sách thường giảng là nước gỗ mai già, sắc nước đỏ hồng nên gọi là hồng mai

Xét:

Về chữ Nôm, các bản đều khắc là 船茶 (thuyền trà), chỉ riêng bản “Kim Vân Kiều tân truyện” khắc là 禅茶 (thiền trà).

          Theo ý riêng, câu 1991 (1995) phiên âm là:

Thuyền trà cạn nước hồng mai

Thuyền trà” 船茶: tức đồ dùng để đựng chén trà, tiếng Hán là “trà thuyền” 茶船. Trà thuyền còn gọi là “trà thác” 茶托, hoặc “trản thác” 盞托, cũng gọi là “trà thác tử” 茶托子, “trà thác tử” 茶拓子, phân biệt với “trà bàn” 茶盘. Thời cổ người Hán lưu truyền một loại khay đựng bộ đồ trà, bắt đầu từ thời Nam triều, dùng một vật để đựng chén trà để khi bưng khỏi bỏng tay. Nhân vì hình dạng của nó giống chiếc thuyền nên mới gọi là “trà thuyền” 茶船 hoặc “trà chu” 茶舟. Tịch Viên Tẩu 寂园叟 đời Thanh trong Đào nhã 陶雅 có nói: “Đồ dùng để đựng chén trà gọi là trà thuyền, đời Minh làm như hình thuyền ...” Có thể thấy đồ dùng để đựng chén trà có hình thuyền xuất hiện vào đời Minh. Trong gia tộc trà cụ, trà thuyền tuy ở địa vị phụ thuộc nhưng là vật không thể thiếu.

https://baike.baidu.com/item/%E8%8C%B6%E8%88%B9/2652447

Bối cảnh câu này là lúc Thuý Kiều đã ra tu ở Quan Âm các trong vườn nhà Hoạn Thư. Vì có liên quan đến Quan Âm các nên có lẽ người ta dễ liên tưởng đến chữ “thiền”. Ở đây mượn “thuyền trà” là vật đựng chén trà hình thuyền để chỉ chén trà, không liên quan đến “thiền”.

          Hồng mai 红梅: Tức một loại trà, gọi đầy đủ là “Cửu khúc hồng mai trà” 九曲红梅茶, cũng gọi là “Cửu khúc Ô long” 九曲乌龙, gọi tắt là “Cửu khúc hồng” 九曲红, sản phẩm truyền thống vùng Tây Hồ 西湖, là loại trân phẩm trong nhóm hồng trà.

          Với các bản chữ Nôm đều khắc là chữ “cạn”, chỉ riêng bản do An Chi phiên âm, chữ Nôm khắc là “rót”. Theo ý riêng, ở đây từ “cạn” đúng hơn, bởi câu 1992 sau đó là:

Thong dong nối gót thư trai cùng về

          Thúc Sinh lén ra Quan Âm các thăm Thuý Kiều, Hoạn Thư bắt gặp vờ đến chơi, sau đó cả hai cùng ra về. Uống “cạn” mới về hợp lí hơn, còn “rót” chưa uống thì sao có thể về.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 12/10/2021

Previous Post Next Post