Dịch thuật: Tịch âm âm Tương liêm quyển hựu thuỳ (229) (Đặng Trần Côn: Chinh phụ ngâm)

 

TỊCH ÂM ÂM TƯƠNG LIÊM QUYỂN HỰU THUỲ (229)

夕陰陰湘簾捲又垂

Đêm thâm trầm, rèm Tương cuốn lên rồi lại buông xuống

          Tương liêm 湘簾 / 湘帘: Tức rèm được đan bằng trúc Tương Phi 湘妃(Tương Phi trúc 湘妃竹.

          Tương truyền vào thời Nghiêu Thuấn 尧舜, trên núi Cửu Nghi 九嶷 ở Hồ Nam 湖南 có 9 con ác long, ở trong 9 hang động, thường đến sông Tương giỡn nước, khiến nước dâng cao, mùa màng bị ngập úng, nhà cửa bị hư hại, bách tính vô cùng khổ sở, tiếng oán than ngút trời. Đế Thuấn luôn quan tâm đến nỗi khổ của bách tính, nghe được tin ác long gây hại, nên ăn không ngon, ngủ không yên, muốn xuống phương nam giúp dân trừ hại, trừng trị ác long.

          Đế Thuấn có hai bà phi là Nga Hoàng 娥皇 và Nữ Anh 女英, đều là con của Đế Nghiêu. Hai bà tuy xuất thân hoàng gia, lại là Đế phi, nhưng hai bà chịu ảnh hưởng và dạy bảo của Đế Thuấn, nên không hề tham đồ hưởng lạc, mà cũng luôn quan tâm đến nỗi khổ của bách tính. Đế Thuấn đi lần này, hai bà tuy không nỡ xa, nhưng nghĩ đến việc trừ hại cho dân, hai bà vui vẻ tiễn Đế Thuấn lên đường. Sau khi Đế Thuấn đi, hai bà luôn đợi tin vui Đế Thuấn trừ được ác long trở về, ngày đêm cầu khấn. Nhưng năm lại năm qua đi, chim én bay đi bay về mấy phen, hoa nở hoa tàn mấy độ, nhưng Đế Thuấn vẫn bặt vô âm tín. Hai bà lo lắng. Nga Hoàng bảo rằng: “Lẽ nào Đế Thuấn bị ác long làm hại, hay là ngã bệnh chốn tha hương?” Nữ Anh nói rằng: “Chẳng lẽ Đế Thuấn giữa đường gặp hiểm nguy, hay là đường núi xa xôi mất phương hướng?” Hai bà nghĩ tới nghĩ lui, ở nhà ngày đêm trông ngóng, không thấy người về, chi bằng đi tìm. Thế là Nga Hoàng và Nữ Anh xông vào sương gió, băng rừng vượt suối đến sông Tương tìm chồng. Qua hết núi này đến núi khác, qua hết sông này đến sông khác, cuối cùng tới được núi Cửu Nghi, hai bà men theo sông Tử Kinh 紫荆 lên đến đỉnh núi, rồi lại theo sông Tử Kinh đi xuống phía dưới, tìm khắp từng sơn thôn ở núi Cửu Nghi. Ngày nọ hai bà đến một nơi gọi là “Tam Phong Thạch” 三峯石, nơi đây có ba khối đá sừng sững, trúc xanh vây bọc, có một ngôi mộ cao lớn được đắp bằng hạt trân châu. Hai bà cảm thấy kì lạ, liền hỏi dân làng: “Đây là mộ phần của ai mà to đẹp thế? Ba khối đá lớn kia vì sao mà đứng sừng sững vậy?” Dân làng nghẹn ngào nói rằng: “Đó chính là mộ phần của Đế Thuấn, ông ấy từ phương bắc xa xôi đến đây, giúp chúng tôi trừ khử 9 con ác long, người dân được sống một cuộc sống an lạc. Nhưng do bởi ông tận tâm tận lực, chịu khổ nhọc mà sinh bệnh rồi qua đời ở đây.” Hoá ra sau khi Đế Thuấn bệnh qua đời, phụ lão vùng sông Tương cảm kích hậu ân của Đế Thuấn, đã đắp cho ông mộ phần này. Bầy hạc trên núi Cửu Nghi cảm động, chúng ngày đêm bay ra biển nam ngậm những hạt trân châu lóng lánh về rải trên mộ phần, thành ngôi mộ trân châu. Còn ba khối đá lớn kia là ba chiếc răng mà Đế Thuấn trừ ác long biến thành. Nga Hoàng và Nữ Anh sau khi nghe, vô cùng đau buồn, hai bà ôm nhau khóc, khóc mãi 9 ngày 9 đêm, khóc đến nỗi mất cả tiếng, nước mắt chảy cũng cạn khô. Cuối cùng khóc đến thổ huyết, mất bên cạnh mộ phần Đế Thuấn.

          Nước mắt của Nga Hoàng và Nữ Anh rắc trên rừng trúc tại núi Cửu Nghi, thân trúc bèn hiện ra những đốm, có đốm màu tía, có đốm màu trắng như tuyết, lại có đốm màu đỏ như máu, đó chính là “Tương Phi trúc” 湘妃竹.

https://baike.baidu.hk/item/%E6%B9%98%E5%A6%83%E7%AB%B9/80956

          Sau này “Tương liêm” thường dùng để tu sức cho thi từ, tạo cho người đọc có cảm giác cao nhã, thi ý lãng mạn.

Câu 229 này, bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của Đoàn Thị Điểm là:

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen (194)

Bản Chinh phụ ngâm khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương, nxb Tân Việt, in năm 1953 là:

BỨC  rèm thưa rủ thác đòi phen

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                             Quy Nhơn 18/9/2021

Previous Post Next Post