Dịch thuật: Tam Tạng Pháp Sư - Huyền Trang

 

TAM TẠNG PHÁP SƯ – HUYỀN TRANG

          Huyền Trang 玄奘 (năm 602 – năm 664), tục tính là Trần , danh Y , pháp sư Tam Tạng nổi tiếng của triều Đường, một trong những người dịch kinh vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo Hán truyền, người sáng lập Pháp tướng duy thức tông 法相唯识宗của Phật giáo Trung Quốc. Ngài là nguyên mẫu nhân vật trung tâm Đường Tăng 唐僧 trong Tây du kí 西游记, tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc. 

Ngàn dặm lấy kinh

          Ngài Huyền Trang lúc nhỏ nhân vì gia cảnh nghèo khó, đã vào Phật môn học tập Phật kinh, 13 tuổi xuống tóc xuất gia, 21 tuổi thọ cụ túc giới, trước sau tìm đến các danh sư Phật học. Đương thời, việc phiên dịch kinh Phật, việc truyền  bá giáo lí Phật giáo đã rất phổ biến. Nhưng do bởi người đương thời đối với việc nhận biết Phạn ngữ rất hạn chế, cho nên việc phiên dịch và nhận thức kinh Phật đã nảy sinh nhiều tranh nghị và lí giải khác nhau. Ngài Huyền Trang cũng bị khó khăn này, thế là ngài quyết định, đi đến Thiên Trúc 天竺 nơi phát nguyên Phật giáo để học tập Phật giáo chính tông. Năm Trinh Quán 贞观  thứ 3 (năm 629), trải qua sự chuẩn bị, ngài lên đường hướng đến Thiên Trúc.

          Sau khi ra khỏi Ngọc Môn quan 玉门关, ngài đến nơi đầu tiên Mạc Hạ Diên Thích 莫贺延碛, thời cổ gọi là Sa hà 沙河, đây là một nơi mà “trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, lại không có nước và cỏ”. Tại đây, ngài gặp phải sự khảo nghiệm nguy hiểm nhất trên đường tây hành. Ngài đi mất 5 ngày 4 đêm mà vẫn chưa thấy nước, khát không chịu nỗi. Sang đêm của ngày thứ 5, không còn chút sức lực nào bèn nằm trên bãi cát. Nửa đêm bỗng nhiên nổi gió, ngài liền bò dậy lên đường. Nhưng ngựa lại không đi theo lộ trình, kéo cũng không đi, hoá ra nó phát hiện có cỏ và nước. Ngài uống no nước, nghỉ ngơi một ngày, sau đó lại lên đường. Ngài đi 2 ngày ra khỏi Sa hà, đến Y Ngô 伊吾, rồi đến Cao Xương 高昌.

          Cao Xương Vương 高昌王 nhiệt tình khoản đãi ngài Huyền Trang, hi vọng ngài lưu lại truyền bá Phật giáo. Ngài khéo léo từ chối. Cao Xương Vương đôi ba lần mời, ngài vẫn không đồng ý lưu lại. Cao Cương Vương cho rằng dùng cách giam giữ có thể ngài khuất phục. Ngài tuyệt thực đáp lại, ba ngày không nếm một giọt nước. Quốc vương khuất phục trước tinh thần của ngài, bèn thả cho ngài lên đường, lại còn thí độ cho ngài 4 đồ đệ, 30 con ngựa, 25 hiệp dịch theo phục vụ và bảo vệ, đồng thời viết 24 công văn đưa cho ngài để khi qua các nơi trao cho cơ quan hành chính nơi đó nhờ quan tâm giúp đỡ. Lễ ngộ của Cao Xương Vương khiến đường đi sau này của ngài dễ hơn nhiều, nhưng khó khăn vẫn chưa hết. Khi đến nước Khang , do bởi cư dân nơi đây không theo Phật giáo, muốn dùng lửa thiêu 2 đồ đệ của ngài, may nhờ có quốc vương ngăn cản, ngài mới thông quan một cách bình an. 

          Sau khi trải qua ải khó khăn, cuối cùng ngài Huyền Trang cũng đến được Thiên Trúc, tức nay là Ấn Độ, ngài bái Giới Hiền Pháp Sư 戒贤法师, vị cao tăng trăm tuổi tại chùa Na Lan Đà 那烂陀 nổi tiếng, khắc khổ nghiên cứu học tập Phật pháp, qua mấy năm ngài tinh thông kinh tạng 经藏, luật tạng 律藏và luận tạng 论藏, nhân đó được tôn xưng là “Tam Tạng Pháp Sư” 三藏法师.

          Năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), trải 17 mùa xuân thu, ngài Huyền Trang đã mang về Trường An 长安657 bộ Phạn văn kinh

Bậc thầy dịch kinh vĩ đại nhất

          Hai mươi năm sau khi ngài Huyền Trang về nước, công việc chủ yếu của ngài là dịch kinh, tổng cộng phiên dịch 75 bộ kinh Phật, 1335 quyển, tính ra hơn 10.000.000 chữ. Về số lượng và chất lượng những trứ tác dịch của ngài Huyền Trang đều đạt đến đỉnh cao trong lịch sử phiên dịch kinh Phật ở Trung Quốc.

          Trong lịch sử phiên dịch kinh Phật ở Trung Quốc có cách nói cựu dịch và tân dịch. Tiền kì của cựu dịch là từ thời Đông Hán đến Nguỵ Tấn, người phiên dịch đa phần là tăng nhân Tây vực, Ấn Độ, hoặc một số tăng nhân Trung Quốc biết một ít Hồ ngữ, Phạn ngữ, có người “hoặc giỏi nghĩa Hồ mà không rành nghĩa Hán, hoặc rõ Hán văn mà không hiểu Hồ ý”. Người dịch thường mượn dùng thuật ngữ “đạo” của học thuật Trung Quốc phiên dịch từ vựng Phật giáo, dẫn đến việc một số nghĩa khác. Hậu kì của cựu dịch là từ thời Đông Tấn đến cuối thời Tuỳ, nhân vật đại biểu chủ yếu là Cưu Ma La Thập 鸠摩罗什, Cầu Na Bạt Đà La 求那跋陀罗, Chân Đế  真谛 ... Trên cơ sở nắm vững nghĩa lí hạt nhân, Cưu Ma La Thập đã vận dụng Thanh minh học 声明学, đem cú pháp Ấn Độ đưa vào hệ thống biểu đạt Hán văn, chú ý biến hoá âm tiết, nên những kinh mà ngài dịch đọc lên nghe thuận miệng êm tai, đạt đến đỉnh cao mới trong việc dịch kinh. Nhưng ngài Cưu Ma La Thập đối với Hán ngữ có thể nói mà không thể viết, chỉ “thủ trì Hồ bản, khẩu tuyên phụng ngôn” 手持胡本口宣奉言 (tay cầm bản Hồ văn mà miệng tuyên đọc Hán văn), ngài cũng thường tiến hành tổng kết đối với bản kinh Phạn văn, dùng phong cách phiên dịch theo cách dịch ý, bị người đời sau chỉ ra những chỗ sai nhầm.

          Cở sở tri thức và kĩ thuật cơ bản của ngài Huyền Trang đều tốt đẹp. Trên cơ sở tổng kết những người đi trước, ngài đề xuất một loạt những nguyên tắc phiên dịch, sử gọi là “tân dịch” 新译. Về nghĩa lí, ngài phản đối nguyên tắc “đạt ý” của các nhà dịch kinh cổ đại, đề xướng trung thành với nguyên bản, theo chữ theo câu thuận bút trực dịch mà dịch. Về văn pháp, ngài ứng dụng văn thể “chẵn thì chính mà lẻ thì biến” (ngẫu chính cơ biến 偶正奇变) của tự cú từ thời Lục triều, lại tham chước phương thức “câu thông liên kết” (câu toả liên hoàn 钩锁连环) của Phạn văn dung hợp thành phong cách phiên dịch “chỉnh nghiêm ngưng trọng” 整严凝重 (hoàn chỉnh nghiêm túc ổn định trang trọng), vừa thể hiện hiện được kết cấu nguyên điển Phật giáo Ấn Độ lại phù hợp tập quán văn pháp Trung Quốc. Như bộ Đại Bát Nhã kinh 大般若经 600 quyển mà ngài dịch lúc về già, do bởi nội dung rộng lớn phức tạp, học sinh tham dự dịch yêu cầu cắt giảm, nhưng ngài kiên trì như bản tiếng Phạn, không bỏ một chữ.

          Công việc dịch kinh của ngài Huyền Trang hoàn toàn không phải tự một mình hoàn thành, mà có một dịch trường lớn và một trình tự nghiêm cách. Dịch trường của ngài Huyền Trang có nhiều cương vị như: dịch chủ, chứng nghĩa, chứng văn, thư tả, bút thụ, xuyết văn, tham dịch, san định, nhuận văn, Phạn bối v.v... Dịch chủ là ngài Huyền Trang, các chức vị khác do các vị cầu học đảm nhiệm. Những vị học sinh này không chỉ có các công việc như: đối chiếu Phạn văn, thư tả kí lục, chỉnh lí ngữ pháp, nhuận sắc văn dịch mà còn đem bản thảo bản dịch đối chiếu với Phạn văn một lần nữa. Để giữ được tính chuẩn xác của phiên dịch, họ đã có nhiều cống hiến to lớn.

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 07/9/2021

Nguyên tác Trung văn

TAM TẠNG PHÁP SƯ – HUYỀN TRANG

三藏法师 - 玄奘

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

Previous Post Next Post