THÁN VI QUAN CHỈ
叹为观止
Giải
thích: Khen ngợi
sự vật được nhìn thấy tốt đẹp đến cực điểm.
Xuất xứ: Xuân Thu . Tả Khâu Minh 左丘明: Tả truyện – Tương Công nhị thập cửu niên 左传 - 襄公二十九年.
Thời
Xuân Thu, sau khị quốc quân nước Ngô qua đời, bốn người con của ông lần lượt kế
vị. Khi người con thứ 3 là Dư Muội 馀昧 kế vị, đã bái người em là Quý Trát 季札làm Tướng. Quý Trát chủ trương
bãi binh an dân, kết giao với Tề, Tấn chư hầu vùng trung nguyên. Dư Muội đồng ý
chủ trương của Quý Trát, phái Quý Trát đi sứ sang các nước Lỗ, Tề, Trịnh, Vệ, Tấn.
Năm
544 trước công nguyên, Ngô công tử Quý Trát đến nước Lỗ, biểu thị ý nguyện giao
hảo với nước Lỗ. Nước Lỗ rất vui mừng, dùng vũ nhạc để chiêu đãi Quý Trát.
Quý
Trát tinh thông vũ nhạc, vừa thưởng thức, vừa bình phẩm. Khi nước Lỗ diễn tấu
bài Thiều tiễn 韶箭, Quý Trát đoán định đó là tiết mục cuối cùng. Xem xong Thiều tiễn, Quý Trát tán thán, sau đó
theo lễ đáp tạ, nói rằng:
-
Bài múa đó cực hay, nên chúng ta xem đến
đó là dừng!
Người
nước Lỗ cảm thấy vô cùng kinh ngạc, Quý Trát có thể dự biết đó là tiết mục cuối
cùng.
Quý
Trát học rộng biết nhiều được sự tôn kính của nước Lỗ, khiến ông ta đạt được
thành công về ngoại giao. Nước Lỗ đem sự việc Quý Trát đến thăm chép vào sử
sách.
Trong
Tả truyện 左传 có nói:
Kiến vũ Thiều tiễn giả, viết: “Đức chí hĩ
tai! Đại hĩ, như thiên chi vô bất đào dã, như địa chi vô bất tái dã, tuy thậm
thịnh đức, kì miệt dĩ gia vu thử hĩ. Quan chỉ hĩ! Nhược hữu tha nhạc, ngô bất cảm
thỉnh dĩ!”
见舞韶箭者, 曰: “德至矣哉! 大矣, 如天之无不帱也, 如地之无不载也, 虽甚盛德, 其蔑以加于此矣. 观止矣! 若有他乐, 吾不敢请已!”
(Khi
xem múa Thiều tiễn, nói rằng: “Công đức đến đỉnh điểm! Vĩ đại thay, như trời
không có gì là không che, như đất không có gì là không chở. Thịnh đức đến cực
điểm, không thể gia thêm chút nào nữa. Xem đến đó là dừng vậy. Nếu như có nhạc
nào khác, tôi không dám thỉnh cầu được xem!” )
Thành ngữ “Thán vi quan chỉ” 叹为观止 từ đó mà ra.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/8/2021
Nguyên tác Trung văn
THÁN VI QUAN CHỈ
叹为观止
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004