Dịch thuật: Lễ khí - Tượng trưng đức tính (kì 3)

 

LỄ KHÍ

(kì 3) 

Tượng trưng đức tính

          Người Trung Quốc rất thích đem ngọc liên hệ với đức tính. Trong Lễ kí – Ngọc tảo 礼记 - 玉藻 có nói:

Cổ chi quân tử tất bội ngọc

古之君子必佩玉

(Quân tử thời cổ phải đeo ngọc)

Lại nói:

Quân tử vô cố, ngọc bất khứ thân

君子无故,玉不去身

(Quân tử không có lí do như có tang, bệnh tật, gặp tai hoạ thì ngọc không thể rời thân)

          Tại sao quân tử phải đeo ngọc? Rõ ràng là không phải để trang sức mà là để làm rạng rỡ đức tính của mình. Như trong Lễ kí – Sính nghĩa 礼记 - 聘义 có nói:

Quân tử tỉ đức vu ngọc yên, ôn nhuận nhi trạch, nhân dã.

君子比德于玉焉, 温润而泽,仁也

          (Quân tử đem mĩ đức của con người so sánh với ngọc. Ngọc ôn nhuận mà sáng bóng, đức nhân cũng như thế)

          Đường nho Khổng Dĩnh Đạt 孔颖达giải thích rằng: Sắc của ngọc ôn hoà nhu nhuận mà lại sáng bóng, đức nhân cũng ôn hoà nhu nhuận như vậy, cho nên ngọc đại biểu cho nhân. Đức tính là phẩm chất, là thứ nhìn không thấy, để phẩm chất ưu tú đó hiển lộ ra, nhà nho đã thử tìm vật tượng trưng cho đức tính, thế là tìm được ngọc.

          Thuyết văn giải tự 说文解字 đem đức tính của ngọc cụ thể thành 5 loại, nói rằng:

          Ôn nhuận sáng bóng, là nhân ; văn lí bất loạn, từ bên ngoài có thể biết bên trong, là nghĩa ; thanh âm nghe trong trẻo, từ xa mà có thể nghe được, là trí ; thà bẻ gãy chứ không chịu cong, là dũng ; mép có góc cạnh mà không bén, là khiết .

          Ngọc có đức tính, đương nhiên là nhân cách hoá. Từ cách giải thích của Hứa Thận 许慎 có thể thấy, đức tính của ngọc là từ cái chất đặc thù của ngọc mà diễn sinh ra. Từ đó có thể thấy, ngọc quả thực là vật tượng trưng tốt nhất của đức tính.

          Trong Luận ngữ - Tử hãn 论语 - 子罕 có một đoạn ẩn dụ về ngọc.

Tử Cống 子贡 hỏi: Có một viên ngọc đẹp ở đây, đem bỏ vào hộp cất, hay là đợi thương nhân biết thưởng thức  ngọc mà bán? Khổng Tử 孔子 bảo rằng: “Bán đi chứ, bán đi chứ. Ta đang đợi thương nhân biết thưởng thức ngọc đây.”

          Ở đây tuy không trực tiếp nói mối quan hệ giữa ngọc với đức, nhưng ý nghĩa tượng trưng thì đã rất rõ ràng. Tử Cống không biết phải xử lí ngọc như thế nào, ý của Tử Cống là, người có đức là cho mình thanh cao tự ẩn cư, hay là ra làm quan. Khổng Tử nói cho Tử Cống biết, ngọc tốt cần phải bán đi, cũng tức là người quân tử phải ra làm quan, nhưng, cần phải đợi người có nhãn quan tự tìm đến. Ý ở lời nói, đồ vật tốt cần đợi được giá mà bán, như vậy mới có thể thể hiện được sự quý trọng của ngọc, cũng tức là thể hiện sự cao quý của đức tính.

          Ngọc tốt cần phải đợi được giá mà bán, đức tính cao quý cũng cần phải có được sự thưởng thức. Theo cách nhìn của Khổng Tử, giá trị của ngọc tất cần phải có hiện thực, điều đó nhất trí với đức tính. Có thể nói, dưới sự khởi xướng của Khổng Tử, mối quan hệ mật thiết giữa ngọc với đức tính càng tăng thêm.

Phụ lục của người dịch

Thiên Tử hãn 子罕  trong Luận ngữ 论语 chép rằng:

          Tử Cống viết: “Hữu mĩ ngọc vu tư, uẩn độc nhi tàng chư? Cầu thiện giá nhi cô chư?” Tử viết: “Cô chi tai! Cô chi tai! Ngã đãi cổ giả dã.”

          子贡曰: “有美玉于斯, 韫椟而藏诸? 求善贾而沽诸?” 子曰: 沽之哉! 沽之哉! 我待贾者也.”

          (Tử Cống hỏi rằng: “Có viên ngọc đẹp ở đây, đem bỏ vào hộp cất, hay tìm thương nhân biết thưởng thức ngọc mà bán đi?” Khổng Tử bảo rằng: “Bán đi chứ! Bán đi chứ! Ta đang đợi thương nhân biết thưởng thức ngọc đây”.)

          (“Luận ngữ toàn thư đồ giải toàn tích” 论语全书图解详析 . Chủ biên: Tư Lí 思履. Bắc Kinh: Bắc Kinh liên hợp xuất bản công ti. 2020)

                                                                         Huỳnh Chương Hưng

                                                                         Quy Nhơn 17/8/2021

Nguyên tác

LỄ KINH

礼经

Biên soạn: Chu Uân 周贇

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 20019

Previous Post Next Post