Dịch thuật: Hưng sư đông tiến, tiên thủ Hàn quốc (Tần diệt Hàn)

 

HƯNG SƯ ĐÔNG TIẾN   TIÊN THỦ HÀN QUỐC

Tần diệt Hàn

          Tần Vương Doanh Chính 秦王嬴政 sau khi tiêu diệt thế lực chính trị của Lữ , Lao , lại nhậm dụng khách khanh Lí Tư 李斯, Uý Liêu 尉缭, trực tiếp tham gia mưu hoạch, chỉ huy cuộc chiến tranh thống nhất của Tần. Họ nhắm đến tình hình các chư hầu quốc đương thời, đề xuất dùng một lượng lớn vàng thu mua danh sĩ của các chư hầu, li gián mối quan hệ quân thần ở nội bộ chư hầu quốc, phá hoại hoạt động hợp tung kháng Tần của họ, sau đó dùng vũ lực chinh phục thực hiện biện pháp cụ thể cho sự thống nhất, từ đó đã vén lên tấm màn chiến tranh thống nhất.

          Trong cuộc chiến mang ý nghĩa lịch sử này, nước bị va chạm đầu tiên là nước Hàn. Hàn là một nước nhỏ, ở vào khu vực yết hầu của trung nguyên. Sở dĩ Tần công kích nước Hàn trước tiên, một mặt là bởi Hàn là một nước nhược tiểu, dễ đánh lấy, có thể mượn uy đó để nhiếp phục các chư hầu khác; một mặt khác Hàn giáp giới với Tần, vừa là mục tiêu chủ yếu để “cận công”, lại là yếu địa chiến lược mà Tần tiến về phía đông tất phải đoạt lấy, công diệt Hàn có thể phát triển hai cánh, về chiến lược có lợi cho việc thúc đẩy chiến trang kiêm tính. Đó là nguyên nhân chủ yếu mà Tần chiếm lấy Hàn trước tiên.

          Nước Hàn cho dù nhược tiểu, không đủ sức đối kháng chính diện với Tần, nhưng để bảo tồn lấy mình, nước Hàn đã hết sức mưu tính làm yếu lực lượng của Tần. Sớm vào năm Tần Vương Doanh Chính kế vị, nước Hàn từng phái thuỷ công Trịnh Quốc 郑国 vào Tần, mượn danh nghĩa giúp xây dựng công trình thuỷ lợi nối liền sông Kinh với sông Lạc, nhằm tiêu hao thực lực nước Tần. Nhưng sự tình nhanh chóng bị bại lộ, Trịnh Quốc suýt chút nữa bị giết. Tiếp đó, nước Hàn lại mưu tính mượn sức chư hầu quốc, ngăn trở nước Tần thảo phạt phía đông. Năm 241 trước công nguyên, Sở, Triệu phát động năm nước hợp tung kháng Tần, nước Hàn kiên quyết tham gia liên quân kháng Tần. Nhưng liên quân năm nước không kham nỗi một trận, bại trận tại Hàm Cốc quan 函谷关, hi vọng chống lại Tần của Hàn bị tiêu diệt.

          Năm 234 trước công nguyên, quân Tần phát động thế công đối với Hàn. Hàn Vương An kinh hoảng bèn phái Hàn Phi đi sứ đến Tần để trì hoãn sự diệt vong của Hàn.

          Hàn Phi xuất thân quý tộc nước Hàn, cùng với Lí Tư là môn sinh của Tuân Huống 荀况, giỏi về cái học hình danh pháp thuật, là đại biểu kiệt xuất của học phái Pháp gia cuối thời Chiến Quốc. Trứ thuật của ông thích ứng với yêu cầu chuyên chế quân chủ, được sự tán thưởng của Tần Vương Doanh Chính. Khi Tần Vương nhìn thấy những thiên Cô phẫn 孤愤, Ngũ đố 五蠹 ... luôn miệng ngợi khen. Nhưng tại nước Hàn, Hàn Phi nhiều lần dâng thư can gián Hàn Vương, Hàn Vương không thể dùng, Khi Tần sắp diệt Hàn, Hàn Vương An vô kế khả thi mới phái Hàn Phi đi sứ nước Tần.

          Năm 233 trước công nguyên, Hàn Phi nhập Tần, Tần Vương rất vui mừng, nhưng chưa tin dùng. Hàn Phi dâng thư lên Tần Vương Doanh Chính, ý đồ xúi Tần công Triệu, để trì hoãn công diệt Hàn. Nhưng, vì nó trái ngược với kế hoạch Tần diệt Hàn, cuối cùng bị Lí Tư ghen ghét tìm được cớ hãm hại Hàn Phi. Lí Tư gièm pha, nói rằng Hàn Phi là công tử nước Hàn, “chung vị Hàn bất vị Tần” 终为韩不为秦 (cuối cùng là vì Hàn chứ không phải vì Tần) (Sử kí – Lão Tử Hàn Phi liệt truyện 史记 - 老子韩非列传), cho ở lại lâu là mối hoạ, chi bằng trừ khử Hàn Phi. Tần Vương Chính quả nhiên trúng kế, bắt giam Hàn Phi vào ngục trị tội.

          Hàn Phi thân vướng lao ngục, không cách nào tự minh oan. Lí Tư sai người đem thuốc độc vào trong ngục, bức Hàn Phi tự sát. Về sau Tần Vương Doanh Chính hối hận, muốn cứu Hàn Phi ra khỏi ngục, nhưng Hàn Phi đã chết.

          Sau khi Hàn Phi chết, nước Hàn cắt đất xưng thần, dâng đất Nam Dương 南阳, nhưng vẫn chưa khiến Tần bãi binh. Năm 230 trước công nguyên, Nội sử Đằng 内史腾 của Tần đem quân tiến thẳng vào, bắt được Hàn Vương An, đem nước Hàn tính vào quận Dĩnh Xuyên 颍川, đến đây nước Hàn diệt vong.

          Sau khi Tần diệt Hàn, Hàn Vương An trở thành tội đồ của nước Tần, nhưng chưa bị xử tử ngay lập tức. Quý tộc nước Hàn cũng không bị đả kích nghiêm trọng. Tân Trịnh 新郑 nguyên là đô thành của nước Hàn (nay là Tân Trịnh新郑Nam 河南), nhất thời trở thành trung tâm phản Tần của nước Hàn. Phụ thân và tổ phụ của Trương Lương 张良 từng làm Tể tướng nước Hàn (phụ tổ Tướng Hàn ngũ Vương - 父祖相韩五王) (1), sau khi nước Hàn bị diệt, Trương Lương dùng gia tài mua chuộc thích khách, tìm cơ hội chuẩn bị thích sát Tần Vương, vì nước Hàn báo thù. Theo ghi chép ở Biên niên kỉ 编年纪 trong “Vân Mộng Tần giản” 云梦秦简, năm 227 trước công nguyên, Tần đưa Hàn Vương An rời khỏi Tân Trịnh, giam ở núi nào đó, núi đó đến nay vẫn chưa xác định. Năm sau, Tân Trịnh bạo phát sự biến phản Tần, chắc có lẽ trong vụ Tần trấn áp sự biến lần đó, đã xử tử vị quốc quân cuối cùng của nước Hàn.

Chú của người dịch

1- Phụ tổ Tướng Hàn ngũ Vương - 父祖相韩五王:

Tổ phụ của Trương Lương 张良 là Trương Khai Địa 张开地 nhậm chức Tể tướng 3 triều của nước Hàn: Hàn Chiêu Hầu 韩昭侯, Hàn Tuyên Huệ Vương 韩宣惠王, Hàn Tương Vương 韩襄王.

 Phụ thân là Trương Bình 张平 cũng nhậm chức Tể tướng 2 triều của nước Hàn: Hàn Hi Vương 韩僖王, Hàn Hoàn Huệ Vương 韩桓惠王.

http://www.owlapps.net/owlapps_apps/articles?id=4763527&lang=zh

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 14/8/2021

Nguyên tác Trung văn

HƯNG SƯ ĐÔNG TIẾN  TIÊN THỦ HÀN QUỐC

兴师东进 先取韩国

Trong quyển

TẦN HÁN SỬ THOẠI

秦汉史话

Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基

Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007

Previous Post Next Post