Dịch thuật: Tử Chi (Tể tướng Trung Quốc)

TỬ CHI

          Tử Chi 子之 (? – năm 314 trước công nguyên), Tể tướng thời Yên Vương Khoái 燕王哙, một trong những hiền tướng thời Chiến Quốc. Từng nhận thiện nhượng làm Yên Vương 燕王, sau bị quân Tề công sát. Có thuyết cho là ông đã đào vong trong lúc hỗn chiến, không biết cuối cùng ra sao.

          Tử Chi 子之 giỏi về thuật hình danh, biện sự quả đoán, thời Yên Vương Khoái được bái làm Tướng quốc, quyền thế rất thịnh. Ông rất chú trọng thuật điều khiển thần thuộc. Có một ngày, ông ngồi nơi nhà trên cố ý thất kinh nói rằng:

          - Có phải là có con ngựa trắng chạy qua cửa không?

          Tả hữu đều nói là không có. Chỉ có một tên hạ thuộc chạy ra cửa nhìn, lúc

Quay vào muốn lấy lòng Tử Chi, nói dối rằng:

          - Vâng, có một con ngựa trắng.

          Tử Chi biết người này không thành thực, sẽ nịnh bợ nên không trọng dụng. Từ đó có thể thấy, Tử Chi là nhân vật Pháp gia như Thân Bất Hại 申不害.

          Đương thời, các nước lần lượt thực hành cải cách chính trị để nước giàu binh mạnh, tranh bá thiên hạ. Yên Vương Khoái 燕王哙 là vị quốc quân rất sáng suốt, một lòng muốn nước Yên phú cường, nên siêng năng chính trị, sống rất kiệm phác. Ông còn đích thân dẫn bách tính canh tác. Nhưng ông lại cảm thấy tài cán và tinh lực của mình không bằng Tử Chi. Để thực hành biến pháp, chấn hưng nước Yên, ông nghe theo kiến nghị của Tung hoành gia Tô Đại 苏代, bắt chước theo Đế Nghiêu, Đế Thuấn, thế là vào năm 318 trước công nguyên, ông đem vương vị thiện nhượng cho Tử Chi, để Tử Chi ra tay cải cách nội chính.

         Lúc bấy giờ, đại thần trong triều đình nước Yên đều là quý tộc, đứng đầu là thái tử Bình , đều cực lực phản đối việc thiện nhượng cho Tử Chi, lại càng phản đối cải cách của Tử Chi, khiến Tử Chi lúc thi chính gặp phải trở ngại nghiêm trọng, người mà do ông đề bạt cũng chỉ đảm nhiệm một chức quan nhỏ. Để ủng hộ Tử Chi, Yên Vương Khoái hạ lệnh thu hồi toàn bộ ấn quan của các đại quan hưởng bổng lộc từ 300 thạch trở lên (tức bãi miễn), giao cho Tử Chi khởi dụng người mới làm đại quan, quyền nhân sự hoàn toàn giao cho Tử Chi. Điều đó đã gây ra sự phản kháng càng lớn của quý tộc, cản trở quấy nhiễu phá hoại cải cách về nhiều phương diện, dẫn đến cục thế quốc nội hỗn loạn.

          Năm 315 trước công nguyên, dưới sự giúp đỡ ngầm của Tề Tuyên Vương 齐宣王, thái tử Bình cùng với tướng quân tên Thị Bị 市被 tụ tập một nhóm quý tộc, phát binh tấn công bao vây vương cung, có ý định giết chết Tử Chi, nhưng tấn công lâu ngày mà không hạ được. Năm sau, dưới sự ủng hộ của bách tính, Tử Chi đánh bại đối phương, xử tử thái tử Bình và Thị Bị, bình định được phản loạn. Nhưng, do bởi cuộc nội chiến khiến mấy vạn người chết, đô thành bị phá hoại nghiêm trọng, bách tính oán hận, nhân tâm li tán, cục thế càng xấu đi.

          Lúc này, Tề Tuyên Vương thừa cơ mượn cớ dẹp loạn, xuất binh can thiệp nội chính nước Yên, mệnh lệnh cho tướng quân Khuông Chương 匡章 thống lĩnh “ngũ đô chi binh” 五都之兵, hội đồng với “bắc địa chi chúng” 北地之众đi chinh phạt, tấn công nước Yên. Sau 50 ngày đã công chiếm đô thành nước Yên, Yên Vương Khoái bị giết chết.

          Trong Sử kí 史记 và trong Trúc thư niên kỉ 竹书年纪 nói Tử Chi bị quân Tề bắt, bị xử tội “hải hình” 醢刑 (“hải” là băm thịt làm tương). Trong Chiến quốc sách – Yên sách 战国策 - 燕策 thì nói Tử Chi trong lúc hỗn loạn đã chạy khỏi nước Yên, không biết tung tích ra sao. Do bởi Tử Chi thực hiện biến pháp tại nước Yên chưa thành, nên nước yên cũng là nước có quốc lực yếu nhất trong thất hùng thời Chiến Quốc.

Chú của người dịch

1- Ngũ đô chi binh 五都之兵: Thời Chiến Quốc, nước Tề ngoài quốc đô Lâm Tri 临淄 ra, còn thiết lập 4 đô ở 4 nơi, mỗi đô đều tuyển luyện quân thường bị, tính chất tương đương với quận của các nước khác. Nước Tề từng dùng binh của ngũ đô để diệt nước Yên, ngũ đô có thể là Lâm Tri 临淄, Bình Lục 平陆, A , Tức Mặc 即墨và Cử . Cho nên có cách nói “ngũ đô”.

https://baike.baidu.com/item/%E4%BA%94%E9%83%BD/8855473

2- Bắc địa chi chúng 北地之众: Trong Sử kí – Yên Thiệu Công thế gia 史记 - 燕召公世家 có câu:

          Vương (Tề Mẫn Vương) nhân lệnh Chương Tử tương ngũ đô chi binh, dĩ nhân bắc địa chi chúng dĩ phạt Yên.

          (齐湣王) 因令章子将五都之兵, 以因北地之众以伐燕.

          (Vương “Tề Mẫn Vương) nhân lệnh cho Chương tử đem “binh của ngũ đô”, nhân cùng mọi người ở bắc địa phạt nước Yên.)

          Tư Mã Trinh 司马贞 sách ẩn rằng:

Bắc địa, tức Tề chi bắc biên dã.

北地, 即齐之北边也

(Bắc địa tức phía bắc của nước Tề)

http://cidian.118cha.com/925086.html

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 05/7/2021

Nguyên tác Trung văn

TỬ CHI

子之

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999 

Previous Post Next Post