Dịch thuật: Đông hồng tiên sinh (Thành ngữ)

 

ĐÔNG HỒNG TIÊN SINH

冬烘先生

QUAN CHỦ KHẢO HỒ ĐỒ 

Giải thích: Ví người có tư tưởng cổ hủ cứng nhắc, học vấn thiển bạc.

Xuất xứ: Ngũ đại . Nam Hán . Vương Định Bảo 王定保: Đường chích ngôn – Ngộ phóng 唐摭言 - 误放.

          Quan chủ khảo Trịnh Huân 郑薰đang từng phần từng từng phần duyệt chấm một chồng quyển thi trên bàn. Do bởi phê duyệt lâu, ông ta uể oải thỉnh thoảng ngáp lên ngáp xuống. Lúc nhìn thấy quyển của khảo sinh ở Từ Châu 徐州, ông đột nhiên tỉnh lại, đôi mắt kèm nhèm mở to. “Nhan Tiêu? 颜标 Quyển của Nhan Tiêu!” Ông tự nói thầm: “Thư sinh này nhất định là con cháu đời sau của Nhan Lỗ Công 颜鲁公 (thư pháp gia Nhan Chân Khanh 颜真卿), bởi anh ta họ Nhan.” Ông đưa sát mắt nhìn, lẩm nhẩm đọc bài văn, than lên một tiếng, nói rằng: “Bình thường! Cũng như mấy bài trước một. Nhưng, quyển này hay dở vốn khó mà phân định rõ. Hiện tại cả vùng Từ Châu bất an, nhất định phải khích lệ con cháu đời sau của kẻ trung liệt. Làm thế nào để khích lệ đây? Cho anh ta đậu Trạng nguyên để nêu gương.”

          Chần chừ một lúc, ông cầm  bút phê vào quyển “Trạng nguyên”.

          Hôm tạ ân, Nhan Tiêu cung kính đến bái yết Trịnh Huân. Trịnh Huân cũng thung dung không vội, nhìn vị Trạng nguyên mà mình đề bạt, hỏi rằng:

          - Tông miếu nhà anh hiện như thế nào?

          Nhan Tiêu cảm thấy kì lạ, vội giải thích rằng:

          - Tôi là người đọc sách nghèo hèn, chưa từng có tông miếu.

          Trịnh Huân nghe qua, phút chốc đớ người, một câu cũng không nói ra được.

          Chẳng bao lâu, sự việc đó bị người đời biết, trào phúng rằng:

Chủ ti đầu não thái đông hồng

Thác nhận Nhan Tiêu tác Lỗ Công

主司头脑太冬烘

错认颜标作鲁公

(Quan chủ ti đầu óc quá hồ đồ

Nhận nhầm Nhan Tiêu là con cháu Lỗ Công) 

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                             Quy Nhơn 15/7/2021

Nguyên tác Trung văn

ĐÔNG HỒNG TIÊN SINH

冬烘先生

TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP

中国成语故事总集

(tập 1)

Chủ biên: Đường Kì 唐麒

Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004

Previous Post Next Post