Dịch thuật: Lễ khí (kì 1) - Tượng trưng của quyền lực

 

LỄ KHÍ

(kì 1) 

          Trong Lễ kí – Lễ vận 礼记 - 礼运 có đoạn:

Phù lễ chi sơ, thuỷ chư ẩm thực. Kì phần thử bãi đồn, ô tôn nhi bồi ẩm, quỹ phù nhi thổ cổ, do nhược khả dĩ trí kì kính vu quỹ thần.

          夫礼之初, 始诸饮食. 其燔黍捭豚, 污尊而抔饮, 蕢桴而土鼓, 犹若可以致其敬于鬼神.

          (Phàm khởi đầu của lễ, bắt đầu từ hoạt động ẩm thực. Thời nguyên thuỷ, tiên dân đem thóc để trên phiến đá rồi dùng lửa hơ, xé thịt heo nướng trên lửa, đào hố trên đất làm li đựng nước, dùng hai tay vốc nước dâng lên, lấy đất sét nặn thành dùi trống, đánh trống làm bằng đất. Tuy giản thô như vậy nhưng hết lòng thành kính với quỷ thần)

          Theo cách nhìn của người xưa, quỷ thần cũng như người, đều cần ăn uống, cho nên lễ khí thời kì đầu chủ yếu là “thanh đồng thực khí” 青铜食器 (dụng cụ bằng đồng dùng trong việc ăn uống). Theo sự phong phú của lễ nghi đời sau, một số thực khí được xem là lễ khí trước đó ngày càng chỉ có ý nghĩa tượng trưng, còn công năng ẩm thực dần nhạt đi. Lễ khí bằng đồng thường thấy có đỉnh , phủ , quỹ , đậu , đôn , trở ... Trong đó, đỉnh có địa vị quan trọng trong số những lễ khí quan trọng. Ngoài thanh đồng khí ra, ngọc khí cũng được cho là lễ khí tôn quý không gì sánh bằng, thường thấy có bích , khuê , quyết , hoàn , hổ ... trong chính trị và tôn giáo và trong cuộc sống thường ngày đều có một vai trò quan trọng.

Tượng trưng của quyền lực

          Năm 606 trước công nguyên, Sở Trang Vương 楚庄王 thảo phạt Lục Hồn chi nhung 陆浑之戎, đánh đến đô thành của triều Chu. Thế là đồn binh gần đô thành. Chu Định Vương 周定王vô cùng lo lắng, bèn lấy lí do khao công lao Sở Vương, phái Vương Tôn Mãn 王孙满 đi thăm dò ý của Sở Vương. Không ngờ, trong lúc nhàn đàm, Sở Vương hỏi đến kích cỡ lớn nhỏ, trọng lượng nặng nhẹ của đỉnh nhà Chu, đó chính là câu chuyện “Vấn đỉnh trung nguyên” 问鼎中原.

          Sở Vương hỏi đỉnh, lập tức khiến Vương Tôn Mãn cảnh giác, đỉnh là trọng khí của đất nước, đỉnh của thiên tử có hàm ý chính trị đặc thù. Nay Sở Vương hỏi đỉnh, rõ ràng là hi vọng về quyền lực tối cao. Cho nên, Vương Tôn  Mãn đã lanh trí đáp lời, ông Kiệt vì đức u tối, nên đỉnh đại biểu cho quyền bính của triều Hạ đã dời đến Thương, 600 năm sau Thương Trụ 商纣 bạo ngược, đỉnh đại biểu có quyền bính Ân Thương đã dời về Chu. Hiện “Chu đức tuy suy, thiên mệnh vị cải, đỉnh chi khinh trọng, vị khả vấn dã.” 周德虽衰, 天命未改, 鼎之轻重, 未可问也 (Đức nhà Chu tuy suy, nhưng mệnh trời chưa thay đổi, đỉnh nặng hay nhẹ, chưa thể hỏi được). Cũng chính là nói, việc có được đỉnh hay không, liên quan đến đức và mệnh, không liên quan đến thực lực quân sự. Cho nên, đức của Chu Định Vương chưa đến mức không có thuốc chữa như Kiệt Trụ, nhân đó mà mệnh trời chưa thay đổi, tuyệt đối không phải là lúc dời đỉnh, xin Sở Vương không nên suy nghĩ vớ vẫn. Quy cách Sở Vương hỏi đỉnh, Vương Tôn Mãn đã khéo léo né tránh trọng điểm của vấn đề, đã thể hiện ý nghĩa trọng đại quyền lực chính trị của đỉnh.

          Theo ghi chép trong Thuỷ kinh chú – Tứ thuỷ 水经注 - 泗水, năm Chu Hiển Vương 周显王 thứ 42 (năm 327 trước công nguyên), 9 chiếc đỉnh mà ông Vũ cho đúc đã chìm ở sông Tứ . Đến năm Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thứ 28 (năm 219 trước công nguyên), khi Tần Thuỷ Hoàng làm lễ phong thiện trở về đi qua Bành Thành 彭城, hi vọng có được Chu đỉnh để đánh dấu công nghiệp của mình, thế là trai giới cầu đảo, sau đó phái trên ngàn người lặn xuống nước tìm 9 chiếc đỉnh, nhưng không có kết quả. Đến năm Vạn Tuế Thông Thiên 万岁通天 thứ 2 (năm 697) đời Võ Tắc Thiên 武则天, Võ Tắc Thiên quyết định tự mình cho đúc 9 chiếc đỉnh, hao phí cực lớn, “dùng 56712 cân thanh kim.

- Đỉnh Dự Châu 豫州tên là Vĩnh Xương 永昌, cao 1 trượng 8 xích, chứa được 1800 hộc.

- Đỉnh Mạc Châu 莫州 tên là Vũ Hưng 武兴.

- Đỉnh Ung Châu 雍州 tên là Trường An 长安.

- Đỉnh Duyện Châu 兖州 tên là Mục Quan 目观.

- Đỉnh Thanh Châu 青州  tên là Thiếu Dương 少阳.

- Đỉnh Từ Châu 徐州 tên là Xa Nguyên 车原.

- Đỉnh Dương Châu 扬州 tên là Giang Đô 江都.

- Đỉnh Chế Châu 制州tên là Kim Lăng 金陵.

- Đỉnh Lương Châu 梁州 tên là Thành Đô 成都.

Chỉ có đỉnh Dự Châu là lớn, đỉnh 8 châu còn lại cao 1 trượng 4 xích, chứa được 1200 hộc, trên đỉnh có viết tên của bản châu, hình các sản vật”. (“Sự thực loại uyển” 事实类苑 quyển 20). Sau khi 9 đỉnh đúc thành, Võ Hậu lại muốn dùng hơn 2000 lượng vàng để thếp lên. Nhưng Diêu Đào 姚涛 can rằng, cửu đỉnh lấy tự nhiên làm quý, thế là thôi.

          Sở Vương hỏi đỉnh, Tần Thuỷ Hoàng tìm đỉnh, Võ Tắc Thiên đúc đỉnh, đều thể hiện ý nghĩa tượng trưng về quyền lực chính trị của đỉnh, là bộ phận không thể thiếu trong lễ nghi chính trị.

Chú của người dịch

1- Võ Tắc Thiên 武则天 cho đúc 9 đỉnh, tháng 4 năm Thần Công 神功 nguyên niên hoàn thành, đặt tại Minh đường ở Lạc Dương 洛阳.

- Đỉnh Thần Đô 神都 tên Vĩnh Xương 永昌 cao 1 trượng 8 xích, chứa được 1800 thạch.

          - Đỉnh Kí Châu 冀州 tên Vĩnh Hưng 永兴

          - Đỉnh Ung Châu 雍州 tên Trường An 长安

          - Đỉnh Duyện Châu 兖州 tên Nhật Quan 日观

          - Đỉnh Thanh Châu 青州 tên Thiếu Dương 少阳

          - Đỉnh Từ Châu 徐州 tên Đông Nguyên 东原

          - Đỉnh Dương Châu 扬州 tên Giang Đô 江都

          - Đỉnh Kinh Châu 荆州 tên Giang Lăng 江陵

          - Đỉnh Lương Châu tên Thành Đô 成都

Đều cao 1 trượng 4 xích, chứa được 1200 thạch.

https://baike.baidu.com/item/%E4%B9%9D%E9%BC%8E/3004

          Thạch và hộc đều là đơn vị dung tích thời cổ.

Trước đời Đường, “hộc” là tục xưng của dân gian đối với “thạch” .

          1 hộc = 1 thạch.

1 thạch = 10 đấu = 120 cân.

Bắt đầu từ đời Tống, đổi lại

          1 hộc = 5 đấu, mà 1 thạch = 2 hộc.

https://baike.baidu.com/item/%E6%96%9B/4903677

                                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                                         Quy Nhơn 02/7/2021

Nguyên tác

LỄ KINH

礼经

Biên soạn: Chu Uân 周贇

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 20019

Previous Post Next Post