Dịch thuật: Hồi môn

 

HỒI MÔN 

          Hồi môn 回门 là phong tục hôn nhân của Hán tộc thời trước. Sau hôn lễ 3 ngày hoặc 6, 7, 9, 10 ngày hoặc tròn một tháng, chú rể và cô dâu mang lễ vật theo cô dâu về lại nhà cha mẹ thăm cha mẹ cô dâu và thân thuộc, gọi là “hồi môn” 回门. Đây là một lễ tiết không thể thiếu, là nghi thức cuối cùng của hôn sự. Ngày hồi môn vào buổi sáng khoảng 9, 10 giờ khởi hành. Chú rể và cô dâu mua những món quà mà nhà cô dâu ưa thích, lễ vật nhìn chung có 4 kiện. Về đến nhà, trước tiên hỏi thăm người già. Lúc này chú rể phải thay đổi cách xưng hô, gọi nhạc phụ nhạc mẫu là cha mẹ. Nhà gái bày tiệc khoản đãi, chú rể vào tiệc ngổi ở trên, do bậc tôn trưởng bên nhà gái mời rượu. Lúc vào tiệc, chú rể và cô dâu hướng đến cha mẹ, thân hữu và hàng xóm mời rượu. Sau bữa tiệc, chú rể và cô dâu hầu chuyện cùng cha mẹ, nghe những lời dạy bảo của họ, sau đó cáo từ về nhà, đồng thời chủ động mời nhạc phụ nhạc mẫu cùng huynh đệ tỉ muội của cô dâu đến nhà chơi. Có địa phương cũng có thể ở lại vài ngày. Phong tục này bắt nguồn từ thời thượng cổ, gọi là “quy ninh” 归宁, ý nghĩa là sau hôn lễ về nhà thăm cha mẹ. Đời sau tên gọi bất nhất, đời Tống gọi là “bái môn” 拜门, đời Thanh ở phương bắc gọi là “song hồi môn” 双回门, phương nam gọi là “hội thân” 会亲. Vùng Hà Bắc 河北 gọi là “hoán cô gia” 唤姑爷, vùng Hàng Châu 杭州 Chiết Giang 浙江 gọi là “hồi lang” 回郎.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 08/6/2021

Nguồn

BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

不可不知的 3.000 个文化常识

Biên soạn: Tinh Hán 星汉

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post