Dịch thuật: Phật gia - Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan

 

PHẬT GIA

NHIẾP MA ĐẰNG VÀ TRÚC PHÁP LAN 

          Nhiếp Ma Đằng 摄摩腾 (? – năm 73), người Trung Thiên Trúc 中天竺 (cổ Ấn Độ). Trúc Pháp Lan 竺法兰, không rõ năm sinh năm mất, cũng là người Trung Thiên Trúc. Thời Minh Đế 明帝 triều Đông Hán họ đến Trung Quốc truyền thụ Phật giáo, kinh văn mà họ dịch ra là bộ Phật kinh dịch sang tiếng Hán đầu tiên của Trung Quốc, có địa vị trọng yếu trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Họ là cao tăng Thiên Trúc sớm nhất đưa Phật giáo truyền vào Trung Quốc, thế xưng là Thánh tăng.

Vĩnh Bình cầu pháp永平求法

          Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc từ lúc nào, niên đại đích xác đã không thể khảo chứng, chậm nhất là khoảng thời Lưỡng Hán, Phật giáo đã lưu truyền tại Trung Quốc. Đương thời đa phần là tăng lữ ngoại quốc không ngại đường xa đến Trung Quốc truyền giáo, rải rác phân tán, không có quy mô. Còn Phật giáo chính thức truyền vào là bắt đầu từ “Vĩnh Bình cầu pháp” 永平求法.

          Tương truyền, vào niên hiệu Vĩnh Bình 永平 thời Đông Hán, Hán Minh Đế Lưu Trang 汉明帝刘庄 đêm ngủ ở Nam cung , mộng thấy một vị thần tiên, thân kim sắc, có hào quang vây quanh, nhẹ nhàng từ phương xa bay đến, giáng hạ trước ngự điện. Hôm sau, Lưu Trang đem việc đó hỏi quần thần. Một vị đại thần bác học đa tài nói rằng:

          - Nghe nói nước Thiên Trúc phía tây  (cổ Ấn Độ) có một vị đắc đạo xưng là “Phật”, không chỉ có thể bay trên không trung, mà còn thần thông quảng đại. Hoàng thượng mộng thấy có thể chính là Phật.

          Thế là Minh Đế phái sứ giả Tần Cảnh 秦景 trong Vũ Lâm Lang 羽林郎 (cấm quân – ND), bác học đệ tử Vương Tuân 王遵 gồm 13 người đi Tây vực, cầu đạo Phật. Đoàn người qua Thiên sơn, vượt núi cao, tại nước Đại Nguyệt Chi 大月氏 ở Tây Vực gặp được cao tăng Thiên Trúc Nhiếp Ma Đằng摄摩腾 và Trúc Pháp Lan竺法兰 đang du hoá tuyên giáo nơi đó. Thế là họ mời Phatạ tăng đến Trung Quốc giảng Phật pháp, đồng thời dùng bạch mã thồ kinh Phật, tượng Phật, vượt núi băng sông, đến năm Vĩnh Bình thứ 10 (năm 67) đến kinh thành Lạc Dương 洛阳.

          Để bày tỏ sự hoan nghinh đối với họ, năm sau Hán Minh Đế ra sắc lệnh xây tinh xá cư trú cho Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan theo dạng thức Thiên Trúc. Nghĩa gốc của (tự) vốn là quan thự, nhân vì Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan lúc đầu đến trú tại quan thự, lại khách nước ngoài, để thể hiện sự đãi ngộ theo lễ, nên vẫn gọi chỗ cư trú mới là “tự” .

          Tên gọi “Bạch Mã” , theo truyền thuyết, là lấy từ việc bạch mã thồ kinh, do đó mà có tên “Bạch Mã tự” 马寺, đó chính là chùa Phật (Phật tự 佛寺) sớm nhất của Trung Quốc. Bắt đầu từ Bạch Mã tự, tăng viện Trung Quốc đều phiếm xưng là “tự”, Bạch Mã tự cũng nhân đó được cho là nơi phát nguyên của Phật giáo Trung Quốc.

          Vĩnh Bình cầu pháp đã đánh dấu Phật giáo chính thức do quan phương truyền vào Trung Quốc.

Xuất hiện bản kinh Phật dịch sang tiếng Hán

          Nhiếp Ma Đằng xuất thân trong một gia đình hiển hách Bà La Môn Ấn Độ, ông vân du bốn phương, lấy việc tuyên dương giáo hoá làm nhiệm vụ của mình. Cao tăng cổ Ấn Độ Trúc Pháp Lan, tự nói tụng kinh mấy vạn chương, là bậc thầy của học giả Ấn Độ, vân du bốn phương cùng Nhiếp Ma Đằng.

          Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan sau khi vào Trung Quốc, tích cực học Hán ngữ. Do bởi Phật giáo đương thời vừa mới truyền vào Trung Quốc, cho nên họ không tuyên giảng kinh Phật ở nhiều nơi, mà tại Bạch Mã tự dịch kinh là chính, từ đó khiến Trung Quốc bắt đầu có bản kinh Phật dịch sang tiếng Hán. Trước tiên họ tại Thanh Lương đài 清凉台đồng dịch Tứ thập nhị chương kinh 四十二章, sắc lệnh tàng trữ tại Lan Đài thạch thất 台石室 gian thứ 14. Năm Vĩnh Bình thứ 16 (năm 73) thời Đông Hán, Nhiếp Ma Đằng tại Lạc Dương viên tịch, được an táng tại Đông viện Bạch Mã tự, tức nay là mộ Nhiếp Ma Đằng. Sau khi Nhiếp Ma Đằng viên tịch, Trúc Pháp Lan đơn độc phiên dịch điển tịch Phật giáo khác từ Tây vực mang đến: Thập địa đoạn kết kinh 十地断结经 4 quyển, Phật bản sinh kinh 佛本生 1 quyển, Phật bản hành kinh 佛本行 5 quyển v.v... Đó là một số trứ tác Phật học sớm nhất của Trung Quốc. Trúc Pháp Lan mất tại Bạch Mã tự lúc hơn 60 tuổi, được an táng phía Tây viện Bạch Mã Tự, tức nay là mộ Trúc Pháp Lan.

          Cao tăng Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan là hai vị Tị tổ khai sơn của Phật giáo Trung Quốc, cho nên hậu thế đều lấy Bạch Mã tự làm nơi phát nguyên của Phật giáo Trung Quốc, tôn là “Thích nguyên” 释源 và “Tổ đình” 祖庭.

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 26/5/2021

                                                         ( Rằm tháng 4 năm Tân Sửu)

Nguyên tác Trung văn

NHIẾP MA ĐẰNG HOÀ TRÚC PHÁP LAN

摄摩腾和竺法兰

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

Previous Post Next Post