Dịch thuật: Giai thoại phanh bụng phơi sách

 

GIAI THOẠI PHANH BỤNG PHƠI SÁCH 

          Trấn Vương Điếm 王店 toạ lạc trên bình nguyên hồ Hàng Gia 杭嘉, đời Thanh nó không phải gọi là Vương Điếm, mà gọi là Mai Hội Lí 梅会里.

          Một năm nọ qua tiết Lập Xuân, hoàng đế Khang Hi 康熙 đi tuần xuống phía nam, trên đường có ngang qua Mai Hội Lí. Khang Hi giả trang thành dân thường, quan sát dân tình khắp nơi. Lúc bấy giờ Mai Hội Lí có 72 ngõ hẻm. Khang Hi rẽ ngang rẽ dọc, cứ đi, đi mãi cuối cùng lạc đường. Khang Hi đến một ao sen, phát hiện bờ phía nam của ao có một thảo đình, trong đình có một lão hán hơn 50 tuổi đang phơi nắng một cách nhàn hạ, liến bước đến để hỏi thăm.

          Khang Hi đến thảo đình nhìn lão hán, bỗng giật mình: Đương lúc này trời rất lạnh, gió tây bắc thổi vù vù, nước trong ao cũng đóng cứng băng, nhưng lão hán này lại phanh áo để lộ bụng, ngồi trên một chiếc ghế trong đình mà không hề cử động, dường như không có việc gì đang ngồi phơi nắng.

          Khang Hi cảm thấy kì lạ bèn hỏi:

          - Lão bá! Trời lạnh như thế, sao ông lại phơi bụng ra làm gì?

          Lão hán nghe qua, than một tiếng đáp rằng:

          - À! Không có cách nào, sách trong bụng nhiều quá, ủ thời gian quá lâu sắp lên mốc, lục phủ ngũ tạng chịu không nỗi, cho nên đành phải phanh bụng ra để phơi đây!

          Hoàng đế Khang Hi là người thông minh, lập tức hiểu rõ ý của lão hán, ông ta là người có học nhưng bất đắc chí. Khang Hi rất coi trọng nhân tài, sau khi về kinh, lập tức truyền chỉ triệu lão hán đó tiến kinh. Và như vậy, lão hán đã mang theo một bụng học vấn của mình vào kinh.

          Hoàng đế Khang Hi nói với lão hán:

          - Trẫm rất muốn xem sách trong bụng của khanh là sách gì, khanh có thể đáp ứng yêu cầu của trẫm không?

          Lão hán nghe qua, mới biết người hôm trước tại thảo đình bị lạc đường hoá ra là hoàng đế Khang Hi, Ông ta liền chầm chậm nói:

          - Dạ được.

          Tiếp đó ông ta từ từ cởi đai áo, lấy ra 81 quyển sách.

          Hoàng đế Khang Hi lật xem một quyển. Đó là bộ trứ tác đồ sộ có giá trị, bút tích đoan chính phương nhã, Khang Hi ngầm khen trong bụng. Khang Hi bảo tả hữu đại thần xem qua, các đại thần cũng đều kinh ngạc không thôi. Hoàng đế Khang Hi nói với lão hán:

          - Khanh sau này không cần phải phơi bụng nữa, ở lại kinh thành ra sức mà giúpcho đất nước!

          Lão hán liền quỳ xuống thưa:

          - Tạ vạn tuế!

          Chẳng bao lâu, Khang Hi phong lão hán nọ làm Hàn lâm viện biên tu 翰林院编修, đồng thời sai người đem bộ trứ tác đó khắc in. Khang Hi còn tự tay ban tặng một tấm biển, bên trên viết bốn chữ lớn “Nghiên kinh bác vật” 研经博物.

          Lão hán mà hoàng đế Khang Hi đặc biệt triệu về kinh là ai? Ông ta chính là tiên sinh Chu Di Tôn 朱彝尊 (1) rất nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc.

          Để kỉ niệm Chu lão tiên sinh, người đời sau đem thảo đình mà Chu lão tiên sinh từng phơi bụng đặt tên là “Bộc Thư Đình” 曝书亭. Biển vàng “Nghiên kinh bác vật” mà đích thân hoàng đế Khang Hi viết vẫn còn treo ngay ngắn nơi thềm của thảo đình.

Chú của người dịch

1- Chu Di Tôn 朱彝尊 (1629 – 1709): Tự Tích Sưởng 锡鬯, hiệu Trúc Trà 竹垞, Ứ Phảng 醧舫, về già có hiệu là Tiểu Trường Lô Điếu Ngư Sư 小长芦钓鱼师, biệt hiệu Kim Phong Đình Trưởng 金风亭长, người Tú Thuỷ 秀水Chiết Giang 浙江 (nay thuộc thành phố Gia Hưng 嘉兴tỉnh Chiết Giang浙江). Ông là Từ nhân, học giả và là một trong những tàng thư gia nổi tiếng đầu đời Thanh.

          Trứ tác có:

          Bộc Thư Đình 曝书亭集tập 80 quyển, Nhật há cựu văn 日下旧闻42 quyển, Kinh nghĩa khảo 经义考 300 quyển, tuyển Minh thi tông 明诗宗100 quyển, Từ tông 词宗 36 quyển. Từ tông là tuyển bản quan trọng về phương diện Từ học Trung Quốc.

https://baike.baidu.com/item/%E6%9C%B1%E5%BD%9D%E5%B0%8A

                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                    Quy Nhơn 06/5/2021

Nguồn

ĐẠI THANH HOÀNG ĐẾ KÌ VĂN BÍ SỬ

大清皇帝奇闻秘史

Tác giả: Lưu Gia Bình 刘家平

Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2004

Previous Post Next Post