Dịch thuật: Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh (3200) ("Truyện Kiều")

 

ẤY LÀ HỒ ĐIỆP, HAY LÀ TRANG SINH (3200)

          Lí Thương Ẩn 李商隐  thời Đường có bài “Cẩm sắt” 锦瑟:

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền

Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên

Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp

Vọng Đế xuân tâm thác đỗ quyên

Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ

Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên

Thử tình khả đãi thành truy ức

Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên

锦瑟无端五十弦

一弦一柱思华年

庄生晓梦迷蝴蝶

望帝春心托杜鹃

沧海月明珠有泪

蓝田日暖玉生烟

此情可待成追忆

只是当时已惘然

(Cây đàn sắt kia hà cớ gì lại có năm mươi dây

Mỗi dây mỗi trụ đều khiến ta nhớ lại lúc thanh xuân

Trang Chu từng nằm mộng thấy mình hoá bướm

Nỗi niềm u buồn của Vọng Đế gởi vào tiếng kêu của chim đỗ quyên

Dưới ánh trăng nơi biển xanh kia, nước mắt cũng hoá thành hạt châu

Ngọc ở Lam Điền trong nắng ấm cũng dường như toả khói

Những cảnh tình đó sao đến nay mới có thể tưởng nhớ lại

Bởi vì lúc đó lòng ta chỉ là một khối mông lung.

https://baike.baidu.com/item/%E9%94%A6%E7%91%9F/396

Khúc đâu đầm ấm dương hoà

Ấy là hồ điệp, hay là Trang sinh?

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục đế, hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu rỏ dành quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

(“Truyện Kiều” 3199 - 3204)

Trang sinh: Tức là Trang Chu, một nhân vật trong ngụ ngôn của Trang Tử, chính là bản thân Trang Tử.

Thục Đế: Vua nước Thục. Có chuyện cổ tích rằng vua nước Thục xưa tên là Đỗ Vũ, sau một trận thuỷ tai, nhường ngôi cho người khác rồi vào ẩn ở núi, sau chết hoá thành chim đỗ quyên, chim ấy kêu “cú cú” hay “cuốc cuốc” là hồn Thục Đế nhớ nước mà kêu.

Lam Điền: tên huyện, tên núi trong tỉnh Thiểm Tây, nổi tiếng có nhiều ngọc quý.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Đường nhân Cẩm sắt thi: Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp, Thục Đế xuân tâm thác Đỗ quyên. Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ, Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.

          唐人錦瑟詩: 莊生曉夢迷蝴蝶, 蜀帝春心託杜鵑. 滄海月明珠有淚, 藍田日暖玉生烟.

          (Bài thơ Cẩm sắt của người nhà Đường: Mộng ông Trang sinh buổi sớm mê thấy làm con bướm, lòng xuân vua Thục đế hoá làm chim Đỗ quyên, bể sâu trăng sáng, hạt châu có nước mắt, ruộng lam ngày ấm ngọc sinh ra khói.)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét:

          “Trang sinh” 庄生: Theo “Trang Tử - Tề vật luận” 庄子 - 齐物论, Trang Chu 庄周nằm mộng thấy mình hoá thành bướm. Tỉnh dậy không biết trong giấc mộng Trang Chu hoá bướm, hay bướm hoá Trang Chu.

          “Vọng đế” 望帝: Theo “Hoa dương quốc chí – Thục chí” 华阳国志 - 蜀志, “Đỗ Vũ 杜宇 xưng đế, hiệu là Vọng Đế 望帝. ..... Viên tướng là Khai Minh 开明, khoét núi Ngọc Luỹ 玉垒 để trừ thuỷ tai. Đế bèn giao chính sự, bắt chước theo Nghiêu Thuấn, nhường ngôi cho Khai Minh. Đế vào Tây Sơn 西山 ẩn cư. Lúc bấy giờ đang là tháng 2, chim tử quyên 子鹃 kêu. Người nước Thục buồn thương tiếng kêu của chim tử quyên.”

Tử quyên子鹃 tức đỗ quyên 杜鹃, cũng còn có tên là tử quy 子规.

          “Châu hữu lệ” 珠有泪: Theo “Bác vật chí”  博物志, ngoài Nam hải có người Giao , sống ở dưới nước như loài cá, không bỏ việc dệt vải, khi khóc, nước mắt lại là hạt châu.

https://baike.baidu.com/item/%E9%94%A6%E7%91%9F/396

          Từ câu 3199 đến câu 3124 trong “Truyện Kiều” xuất tứ bài “Cẩm sắt” của Lí Thương Ẩn.

Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 3203 là:

Trong sao châu rỏ GHỀNH quyên

Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 3199 là:

Khúc SAO đầm ấm dương hoà

Và câu 3203 là:

Trong sao châu NHỎ DUỀNH quyên

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 07/5/2021

Previous Post Next Post