Dịch thuật: Tào Tuyết Cần với "Hồng lâu mộng"

 

TÀO TUYẾT CẦN VỚI “HỒNG LÂU MỘNG”

          Sau khi hoàng đế Càn Long 乾隆 lên ngôi, nhiều năm dùng binh, quân phí hao tổn rất lớn; ông 6 lần tuần du Giang Nam 江南, rất phô trương lãng phí. Lại thêm quan lại cấp dưới tham ô lãng phí thành nếp, hủ bại tột cùng, khiến quốc gia dần suy yếu.

          Chính vào thời kì này, tại kinh thành lưu truyền một bộ tiểu thuyết có tên là Hồng lâu mộng 红楼梦. Mới đầu mọi người không rõ tác giả là ai, về sau trải qua nghiên cứu, mới biết tác giả là Tào Tuyết Cần 曹雪芹.

          Tào Tuyết Cần vốn là con em một gia đình quý tộc, tằng tổ là Tào Tỉ 曹玺từng được hoàng đế Khang Hi 康熙 sủng tín, được phái xuống phía nam làm Giang Ninh chức tạo 江宁织造. Giang Ninh là nơi giàu có của phương nam, chức tạo là chuyên chế tạo y phục cho hoàng tộc, là Sai sứ 差使 đi thu gom tiền, quan giai tuy không cao nhưng địa vị vô cùng trọng yếu. “Chức tạo” 织造 là tai mắt của hoàng đế tại Giang Nam, còn gánh thêm sứ mệnh hiểu rõ tình hình chính trị tại Giang Nam, kết giao danh sĩ Hán tộc ... chỉ có người mà hoàng đế tin tưởng nhất mới có thể đảm nhiệm chức vị này. Tào gia cùng hoàng thất nhà Thanh có mối quan hệ đặc thù, thê tử của Tào Tỉ là bà nội của Thanh Thánh Tổ Huyền Diệp 清圣祖玄烨, Tào Dần 曹寅 lúc nhỏ là bạn cùng học với Huyền Diệp. Cả thời kì Khang Hi, ba đời Tào gia đều được sự đãi ngộ hậu hĩ và sự tín nhiệm đặc thù, Khang Hi trong 5 lần “Nam tuần” thì đã 4 lần lấy phủ chức tạo làm hành cung, thế là Tào gia trở thành “bách niên vọng tộc” uy thế ngất trời. Sau khi Tào Tỉ qua đời, tổ phụ của Tào Tuyết Cần là Tào Dần 曹寅, phụ thân là Tào Phủ 曹頫 thay nhau làm Sai sứ, họ Tào một nhà ba đời trước sau làm Chức tạo quan sáu bảy mươi năm, trở thành hào môn phú trạch.

          Sau khi hoàng đế Ung Chính 雍正 lên ngôi, nhân vì nội bộ hoàng thất lục đục, liên luỵ đến Tào gia, Ung Chính cho rằng Tào gia đã phản đối ông, không những cách chức của Tào Phủ, mà còn hạ lệnh thanh tra và tịch thu nhà của họ, lúc bấy giờ, Tào Tuyết Cần là một đứa bé 10 tuổi đã biết chuyện, nhìn thấy gia đình gặp phải tai nạn lớn như thế, tâm linh nhỏ bé đã chịu sự đả kích rất lớn.

          Phụ thân mất chức quan, trở về quê nhà Bắc Kinh 北京, cuộc sống ngày càng nghèo, tai nạn của gia đình lại liên tiếp phát sinh. Về sau, phụ thân Tào Phủ qua đời, cuộc sống của Tào Tuyết Cần càng thêm khốn khổ, đành phải dời nhà đến ngoại ô phía tây Bắc Kinh, đọc sách trong mấy gian nhà đơn sơ cũ kĩ. Có lúc ngay cả lương thực cũng không đủ ăn, đành húp chút cháo loãng cho đỡ đói.

          Về sau, Tào Tuyết Cần quyết tâm căn cứ vào những thể nghiệm của bản thân viết ra một bộ tiểu thuyết phản ánh cuộc sống xã hội, đó chính là “Hồng lâu mộng” 红楼梦.

          Trong Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần đã viết về câu chuyện của đại gia đình quý tộc họ Giả từ hưng thịnh đến suy tàn. Trong gia đình quý tộc này, đa phần là những kí sinh trùng chỉ biết hưởng thụ, chuyên ăn uống vui chơi, cho vay thu tô. Một số người vẻ bề ngoài đạo mạo, nhưng nội tâm lại vô cùng khắc bạc nhơ nhớp. Chủ nhân ông của tiểu thuyết, công tử Giả Bảo Ngọc 贾宝玉 của Giả gia và cô em họ Lâm Đại Ngọc 林黛玉 là một đôi thanh niên căm ghét tập tục xấu của quý tộc, phản đối lễ giáo phong kiến. Trong hoàn cảnh đó, họ muốn thoát khỏi sự trói buộc của cựu lễ giáo phong kiến, nhưng cũng không có đường ra, kết quả Lâm Đại Ngọc bị kì thị, đau bệnh mà chết, Giả Bảo Ngọc bỏ nhà ra đi, gia đình quý tộc đó sau khỉ hưởng tận vinh hoa phú quý, cũng giống như một gian nhà lớn mục nát bỗng đổ nhào. Tào Tuyết Cần dùng bút điệu đồng tình thâm thiết viết ra cảnh ngộ tình yêu nam nữ của đôi thanh niên và một số nữ tì bị lăng nhục áp bức, cũng căm phẫn bộc lộ sự hủ bại và tội ác của giai cấp thống trị phong kiến. Trong Hồng lâu mộng có đoạn viết về câu chuyện “Hộ quan phù” 护官符, chính là vạch trần một số quan liêu và bọn hào môn câu kết với nhau như thế nào để áp bức bách tính.

          Tào Tuyết Cần tại ngoại ô phía tây Bắc Kinh, duyệt đọc 10 năm, từng tăng giảm 5 lần để viết ra bộ tiểu thuyết này, gian khổ lao nhọc và tật bệnh đã giày vò ông khiến ông trở nên suy nhược. Khi ông viết xong đến hồi thứ 80, người con yêu thương của ông mắc bệnh và chết yểu. Tào Tuyết Cần đã bị một cú đánh trầm trọng, cuối cùng đã buông bộ trứ tác chưa hoàn thành rời khỏi nhân gian.

Sau khi Tào Tuyết Cần qua đời, bản thảo tiểu thuyết của ông trải qua những người bạn truyền nhau sao chép, dần dần lưu truyền. Nhiều người đọc bộ tiểu thuyết này, vừa tán thưởng vừa cảm động. Nhưng đối với bộ trứ tác kiệt xuất này chưa hoàn thành này, luôn cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Về sau, văn học gia Cao Ngạc 高鹗 viết tiếp 40 hồi, khiến Hồng lâu mộng trở thành bộ tiểu thuyết có kết cấu hoàn chỉnh.

          Hồng lâu mộng trải qua một lần sao chép nữa, in lại như bản cũ, càng truyền càng rộng. Mãi cho đến hiện đại, mọi người đều công nhận nó là bộ tiểu thuyết trường thiên cổ đại kiệt xuất nhất của Trung Quốc. Mọi người không chỉ thưởng thức thành tựu nghệ thuật cao siêu mà còn từ trong đó hiểu rõ được lịch sử suy tàn của xã hội phong kiến và  thực trạng xã hội Trung Quốc. Đến hiện nay, từ quốc nội đến các nước trên thế giới, đều có nhiều học giả nghiên cứu, khảo chứng bộ trứ tác vĩ đại này, mọi ngượi gọi môn học này là “Hồng học” 红学.

          Sau khi tác phẩm hiện thực chủ nghĩa vĩ đại này ra đời, đã tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử văn học Trung Quốc mà trước đó chưa từng có. Hồng lâu mộng ra đời, mọi người tiến hành phê bình, nghiên cứu trình độ thâm nhập sâu rộng của nó càng là một hiện tượng đột xuất trong lịch sử văn học. Bộ tiểu thuyết này có rất nhiều bản kèm theo lời bình, lời phê, ngoài bản “Chi bình” 脂评 ra, còn có Hộ Hoa chủ nhân 护花主人, Diệu Phục Hiên bình bản 妙复轩评本 . Ngoài ra còn có rất nhiều bình luận, chuyên luận, bút kí của độc giả đối với bộ tiểu thuyết, hình thành môn học chuyên về “Hồng học”. Sau phong trào Ngũ tứ 五四, “Hồng học” trở thành hiển học, mà còn hình thành những học thuyết và học phái khác nhau. Trước mắt đối với việc nghiên cứu “Hồng học” xuất hiện một cao trào mới, chuyên luận, chuyên trứ, chuyên san tấp nập ra đời, đang thịnh, ngày càng phát triển. Ảnh hưởng của Hồng lâu mộng lan xa đến nước ngoài, năm 1842 đã có một bộ phận dịch sang Anh văn. Từ đó, các bản dịch sang ngoại văn như Anh văn, Nga văn, Đức văn, Pháp văn, Ý văn, Nhật văn, Việt văn, Hà Lan văn ... liên tục xuất hiện, không dưới 12 loại. Đồng thời xuất hiện bản dịch trọn bộ sang Nga văn, Nhật văn. Trừ phiên dịch nguyên tác ra, còn có nhiều luận trứ ngoại văn liên quan đến Hồng lâu mộng. Trong phạm vi thế giới, Hồng lâu mộng đã sản sinh ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, có được vinh dự cao trong số các danh tác văn học thế giới.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 07/5/2021

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN

中华上下五千年

Chủ biên: Lí Tinh 李晶

Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007

Previous Post Next Post