BÂY GIỜ
GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH (3071)
Gương vỡ lại lành: Xuất xứ từ thành ngữ “Phá kính trùng viên” 破镜重圆 tức vợ chồng li
tán sau đó được đoàn tụ vui vầy trở lại.
Trong Bản sự thi – Tình cảm 本事诗 - 情感 của Mạnh Khể 孟棨 đời Đường có
thuật một câu chuyện:
Triều
Trần thời Nam Triều, Thái tử xá nhân Từ Đức Ngôn 徐德言
cùng vợ là Lạc Xương công chúa 乐昌公主 sợ sau khi nước mất hai người sẽ không gặp được nhau,
nhân đó mới đập tấm kính đồng ra làm hai, mỗi người giữ một nửa, hẹn rằng vào rằm
tháng Giêng đem nửa mảnh kính ra chợ bán, hi vọng sẽ gặp lại. Về sau nhà Trần mất,
công chúa lọt vào nhà Việt Quốc Công Dương Tố 越国公杨素. Từ Đức Ngôn theo lời hẹn đến kinh thành, thấy có người bán nửa mảnh
kính, bèn lấy nửa mảnh của mình ráp vào, quả nhiên tròn lại. Từ Đức Ngôn viết
bài thơ lên nửa mảnh kính rằng:
Kính dữ nhân câu khứ
Kính quy nhân bất quy
Vô phục Thường Nga ảnh
Không lưu minh nguyệt huy
镜与人俱去
镜归人不归
无复嫦娥影
空留明月辉
(Kính với người cùng đi mất
Nay kính trở về mà không thấy người trở về
Không tìm thấy được hình bóng Thường Nga nữa
Trên không chỉ lưu lại vầng trăng sáng)
Công
chúa đọc được bài thơ, khóc than không ăn uống. Dương Tố biết chuyện, lập tức
cho triệu Từ Đức Ngôn đến, trả công chúa lại cho Từ Đức Ngôn, cả hai cùng về
Giang Nam 江南 sống
bên nhau cho đến già.
Về sau
người ta dùng “Phá kính trùng viên” để ví vợ chồng li tán hoặc chia tay nhau
sau đó được đoàn tụ vui vầy trở lại.
https://baike.baidu.com/item/%E7%A0%B4%E9%95%9C%E9%87%8D%E5%9C%86/68305
Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi
(“Truyện Kiều” 3071 – 3072)
Gương vỡ lại
lành: Chỉ cuộc đời tan vỡ, nay trở lại
hạnh phúc.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Tình sử: Từ đức Ngôn dữ Lạc xương công chúa,
nhân loạn phá kính tương biệt, hậu dĩ mãi kính phục hợp.
情史: 徐德言與樂昌公主因亂破鏡相別後以買鏡復合
(Sách
Tình sử: Ngươi Từ đức Ngôn cùng bà Lạc xương công chúa đập gương soi cùng biệt,
sau có người bán nửa mảnh gương mà lại hợp với nhau.)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/5/2021