Dịch thuật: Tập tục Thanh Minh tảo mộ đạp thanh bắt đầu từ khi nào

 

TẬP TỤC THANH MINH TẢO MỘ ĐẠP THANH

BẮT ĐẦU TỪ KHI NÀO 

          Thơ Đỗ Mục 杜牧 có câu:

Thanh Minh thời tiết vũ phân phân

Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn

清明时节雨纷纷

路上行人欲断魂

 (Thời tiết lúcThanh Minh mưa tuôn không dứt

Người đi xa trên đường lòng phiền muộn u buồn)

          Chỉ với hai câu ngắn đã đem cái lạnh thê lương miêu tả một cách tinh tế sâu sắc. Thanh Minh 清明, Trung Nguyên 中元, Hàn Y 寒衣 (1) được gọi là “Tam đại quỷ tiết” 三大鬼节. Tam đại quỷ tiết này, tiết Thanh Minh là được xem trọng nhất. Theo truyền thuyết, Thanh Minh tảo mộ sớm thành tục từ thời Tây Chu, nó là tập tục cổ đại mùa xuân đế vương tế tổ diễn biến mà ra. Về sau, nghi lễ tế tổ cung đình này mở rộng đến dân gian, tập tục mùa xuân tế tổ dần hình thành.

          Nội dung quan trọng nhất của tiết Thanh Minh là ra mộ phần tảo mộ. Từ cố chí kim, mỗi khi đến Thanh Minh, dường như các gia đình đều phái người đến khu mộ của gia tộc, đốt giấy tiền, “tống vật tống tiền” cho người thân đã mất ở cõi âm. Ngoài tế điện ra, còn vun đắp lại mộ tổ để tránh loài trùng loài thú làm hư hại, quấy rầy người đã khuất không được yên ổn. Do bởi tiết Thanh Minh được người trong nước coi trọng, nên nó đã cùng Xuân tiết 春节, Trung Thu 中秋, Đoan Ngọ 端午 gọi chung là “Tứ đại truyền thống tiết nhật” 四大传统节日của Hán tộc.

          Tiết Thanh Minh còn được gọi là tiết Hàn Thực 寒食. Theo sử liệu ghi chép, tiết Hàn Thực vốn trước tiết Thanh Minh mấy ngày. Vào ngày đó, mọi người không được dùng lửa, ăn thức ăn nguội, tế tổ. Nhưng không hề thấy văn hiến ghi chép. Tập tục vào tiết Hàn Thực ra mộ phần bắt đầu từ lúc nào. Đường Huyền Tông 唐玄宗 từng hạ chiếu nói rằng:

          Hàn Thực thướng phần, Lễ kinh vô văn, cận thế tương truyền, dĩ thành tập tục, ưng đương duẫn hứa, sử chi vĩnh vi thường thức.

          寒食上坟, 礼经无文, 近世相传, 以成习俗, 应当允许, 使之永为常式

          (Tiết Hàn Thực ra mộ, kinh Lễ không thấy có ghi chép, gần đây truyền nhau thành tập tục, nên cho phép, khiến nó trở thành chế độ cố định vĩnh viễn.)

          Về sau, tiết Hàn Thực và tiết Thanh Minh dần hợp thành một ngày, một số tập tục của tiết Hàn Thực cũng chuyển đến tiết Thanh Minh. Bạch Cư Dị 白居易 từng có thơ rằng:

Ô đề thước táo hôn kiều mộc

Thanh Minh Hàn Thực thuỳ gia khốc

乌啼鹊噪昏乔木

清明寒食谁家哭

(Tiếng quạ kêu ầm ĩ nơi bóng cây cao lớn âm u kia

Vào tiết Thanh Minh Hàn Thực nhà ai vang lên tiếng khóc)

          Từ một ý nghĩa nào đó mà nói, tiết Thanh Minh đã chịu trọng tải nội hàm của hai tiết.

          Thanh Minh là một tiết khí trong 24 tiết khí, đại khái vào khoảng ngày 5 tháng 4 dương lịch. Vào tháng 4, mưa dần tăng lên, muôn vật sống lại. Lời tục có câu:

Thanh Minh tiền hậu, chủng qua chủng đậu

清明前后,种瓜种豆

(Trước và sau Thanh Minh, trồng dưa trồng đậu)

          Có thể thấy, nhiệt độ lúc đó đã ấm. Thời kì này cũng là mùa bệnh truyền nhiễm phát ra nhiều, người xưa cho rằng “đạp thanh chiết liễu” 踏青折柳có thể phòng ngừa bệnh độc xâm hại. Thanh Minh đạp thanh dó đó mà ra, con người hiện tại thì xem đó là một phương thức rèn luyện thân thể. Về sau, tiết Thanh Minh lại tăng thêm những hoạt động vui chơi như bẻ liễu, đá cầu, đánh đu ... Ngày nay vào tiết Thanh Minh, cả nhà du xuân, một số vận động ngoài trời đã trở thành phong thượng lưu hành.

Chú của người dịch

1- Hàn Y 寒衣: Tức Hàn Y tiết 寒衣节 vào ngày mồng 1 tháng 10 âm lịch, đây là ngày mà khí hậu ngày càng lạnh, đồng thời cũng là tiết nhật tế tổ truyền thống của Trung Quốc, người ta đốt áo giấy cho tổ tiên, dâng lên tổ tiên y phục chống lạnh. Tiết này bắt đầu từ đời Chu, có lịch sử tương đối lâu dài.

https://3g.d1xz.net/rili/jieri/hanyijie/

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 04/4/2021

                                               Tiết Thanh Minh ngày 23 /2 năm Tân Sửu 

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post