Dịch thuật: Tại sao nha môn thời cổ thích treo tấm biển "Minh kính cao huyền"

 

TẠI SAO NHA MÔN THỜI CỔ THÍCH TREO TẤM BIỂN

“MINH KÍNH CAO HUYỀN” 

          Trên đại đường ở nha môn của quan viên thời cổ, đa phần đều có tấm biển “Minh kính cao huyền” 明镜高悬 (gương sáng treo cao). Ý nghĩa là bản thân có thể thấy rõ thị phi, có thể phân biệt thiện và ác, trung thành và gian nịnh. Thành ngữ này nguyên tác là “Tần kính cao huyền” 秦镜高悬, điển xuất từ Tây Kinh tạp kí 西京杂记quyển 3:

Hữu phương kính, quảng tứ xích, cao ngũ xích cửu thốn, biểu lí hữu (1)  minh, nhân trực lai chiếu chi, ảnh tắc đảo hiện. Dĩ thủ môn tâm nhi lai, tắc kiến trường vị ngũ tạng, lịch nhiên vô ngại.

          有方镜, 广四尺, 高五尺九寸, 表里有明 (1), 人直来照之,影则倒见. 以手扪心而来, 则见肠胃五脏, 历然无碍.

(Có một chiếc kính vuông, rộng 4 xích, cao 5 xích 9 thốn, trong ngoài trong suốt. Người soi kính thấy bóng mình hiện ngược, dùng tay xoa nơi ngực  để soi, có thể thấy cả ngũ tạng, rõ ràng không hề bị che lấp.)

          Theo truyền thuyết, Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦khi công phá Hàm Dương 咸阳, phát hiện kho báu của vương thất, vàng bạc châu báu bên trong nhiều vô kể. Nhưng có một thứ lại khiến Lưu Bang kinh ngạc, đó là một chiếc kính. Chiếc kính này hình chữ nhật, chiều rộng 4 xích, chiều dài 5 xích 9 thốn, cả hai mặt đều có thể soi chiếu. Nếu đến gần với tư thế bình thường, ảnh sẽ đảo ngược, nếu đến gần dùng tay xoa nơi tim, thì có thể chiếu rõ lục phủ ngũ tạng, rõ ràng một cách dị thường. Nếu người bệnh để tay nơi ngực mà soi kính, thì có thể phát hiện vị trí của chỗ bệnh. Nếu phụ nữ tâm thuật bất chính thì sẽ phát hiện túi mật đặc biệt lớn, tim đập không bình thường. Tần Thuỷ Hoàng tính vốn hay nghi kị, thường bảo cung nữ soi kính, nếu phát hiện túi mật của người nào lớn hoặc tim đập lạ thường sẽ giết người đó.

          Có thể thấy, “Tần kính” 秦镜 có thể nhìn xuyên nội tâm của con người. Bất kì người nào chỉ cần đứng trước “Tần kính”, thì hết thảy trung gian thiện ác đều hiện rõ. Về sau dùng “Tần kính cao huyền” để ví có thể xét rõ đến chân tơ kẽ tóc, làm quan thanh chính liêm khiết.

          Về sau, một số quan viên tự cho mình là thanh chính liêm khiết, hiểu rõ sự tình đến chân tơ kẽ tóc, bèn treo tấm biển “Tần kính cao huyền” ở chính giữa đại đường của nha môn. Rất có khả năng nhiều người không rõ điển cố “Tần kính”, hơn nữa, “Tần kính” và “minh kính” về ý nghĩa không khác nhau mấy, nên dần dần diễn biến thành “Minh kính cao huyền” như hiện nay.

Chú của người dịch

1- Biểu lí hữu minh 表里有明:

Theo “Tây Kinh tạp kí” 西京雜記 do Thành Lâm 成林 và Trình Chương Xán 程章燦 chú dịch, ở đây là chữ “động” (biểu lí động minh 表裡洞明).

          (Đài Bắc – Địa Cầu xuất bản xã, năm Dân Quốc thứ 83)

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 26/4/2021 

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post