Dịch thuật: Cõi trần mà lại thấy người Cửu nguyên (3000) ("Truyện Kiều")

 

CÕI TRẦN MÀ LẠI THẤY NGƯỜI CỬU NGUYÊN (3000)

         Cửu nguyên 九原: Vốn chỉ mộ địa của khanh đại phu nước Tấn, về sau phiếm chỉ mộ địa, cũng chỉ “cửu tuyền”, “hoàng tuyền”.

1- Chỉ mộ địa của khanh đại phu nước Tấn thời Xuân Thu.

          Trong Lễ kí – Đàn Cung hạ 礼记 - 檀弓下có ghi:

Triệu Văn Tử dữ Thúc Dự quan hồ Cửu nguyên.

赵文子与叔誉观乎九原

(Triệu Văn Tử và Thúc Dự đến xem khu mộ địa quý tộc Cửu nguyên của nước Tấn.)

          Và trong Tân tự - Tạp sự tứ 新序 - 杂事四 có ghi:

          Tấn Bình Công quá Cửu nguyên nhi thán viết: “Ta hồ! Thử địa chi uẩn ngô lương thần chi đa hĩ, nhược sử tử giả khởi dã, ngô tương thuỳ dữ quy hồ?”

          晋平公过九原而叹曰: “嗟乎! 此地之蕴吾良臣多矣, 若使死者起也, 吾将谁与归乎?”

          (Tấn Bình Công lúc đi qua Cửu nguyên than rằng: “Than ôi! Đây là nơi mai táng nhiều đại thần tài giỏi của nước Tấn chúng ta. Nếu khiến cho người chết sống lại được, thì ta sẽ cùng làm việc với người nào đây?”)

2- Phiếm chỉ mộ địa, như trong bài Đoản ca hành 短歌行của Kiểu Nhiên 皎然 thời Đường có câu:

Tiêu tiêu yên vũ Cửu nguyên thượng

Bạch dương thanh tùng táng giả thuỳ?

萧萧烟雨九原上

白杨青松葬者谁?

(Buồn bã khói mưa trên khu mộ địa

Người táng dưới cây bạch dương cây tùng xanh là ai?)

          Trong bài Cảm Hoài 感怀 của Vi Trang 韦庄 thời Vãn Đường có câu:

Tứ hải cố nhân tận

Cửu nguyên tân trủng đa

四海故人尽

九原新冢多

(Bốn biển cố nhân không thấy nữa

Nơi Cửu nguyên mộ mới đã nhiều)

3- Và cũng có nghĩa như “cửu tuyền” 九泉 (chín suối), “hoàng tuyền” 黄泉 (suối vàng), như trong bài Vong thê Vương thị mộ chí minh 亡妻王氏墓志铭 của Tô Thức 苏轼  thời Tống có câu:

          Quân đắc tùng Tiên phu nhân vu Cửu nguyên, dư bất năng, ô hô ai tai!

          君得从先夫人于九原, 余不能, 呜呼哀哉!

          (Nàng được bên cạnh mẫu thân của chúng ta ở chốn Cửu nguyên, ta không có cơ hội đó, ôi đau buồn thay!)

https://baike.baidu.com/item/%E4%B9%9D%E5%8E%9F

Minh dương đôi ngả chắc rồi

Cõi trần mà lại thấy người Cửu nguyên

(“Truyện Kiều” 2999 – 3000)

Cửu nguyên: Chín suối. Nh. Cửu tuyền. Nh. Suối vàng.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 26/4/2021

Previous Post Next Post