Dịch thuật: Người yểu điệu, kẻ văn chương (2841) ("Truyện Kiều")

 

NGƯỜI YỂU ĐIỆU, KẺ VĂN CHƯƠNG (2841)

          Yểu điệu 窈窕: Bài Quan thư 關雎 phần Chu Nam 周南 là bài thơ mở đầu Kinh Thi, thông thường người ta cho rằng đó là bài tình ca viết về đề tài tình yêu của đôi nam nữ. Về nghệ thuật bài thơ đã dùng thủ pháp “hứng” để biểu hiện. Bài Quan thư gồm 3 chương, chương 1 có 4 câu, chương 2 chương 3 có 8 câu, mỗi chương đều có câu “Yểu điệu thục nữ” 窈窕淑女, chương 1 viết rằng:

Quan quan thư cưu

Tại hà chi châu

Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu

關關雎鳩

在河之洲

窈窕淑女

君子好逑

(Đôi chim thư cưu kêu “quan quan”

Ở bãi cát trong sông

Người con gái dịu dàng xinh đẹp kia

Với người quân tử thật là xứng đôi)

(Thi kinh 詩經: Đài Loan - Trí Dương xuất bản xã, 2004)

Người yểu điệu, kẻ văn chương

Trai tài gái sắc, xuân đương vừa thì

(“Truyện Kiều” 2841 - 2842)

Yểu điệu: Chỉ hình dáng dịu dàng xinh xắn.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Thi Chu nam: Yểu điệu thục nữ.

          詩周南: 窈窕淑女

          (Thơ Chu nam trong kinh Thi: Con gái dịu dàng)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Theo ý riêng, từ “yểu điệu” này xuất phát từ bài Quan thư trong Kinh Thi.

Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 2841 là:

Người yểu điệu, KHÁCH văn chương

Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2842 là:

Trai tài gái sắc, xuân đương KỊP thì

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 17/4/2021

Previous Post Next Post