Dịch thuật: Văn hoá với văn hoá Trung Quốc

 

 VĂN HOÁ VỚI VĂN HOÁ TRUNG QUỐC

          Từ “văn hoá” 文化 hiện nay đã thâm nhập đến các ngóc ngách của đời sống xã hội và tâm lí của con người, không cần phải giải thích nhiều. Theo văn hiến, từ “văn hoá” xuất hiện sớm nhất là ở quẻ trong Chu Dịch 周易 , ghi rằng:

Quan hồ thiên văn, dĩ sát thời biến; quan hồ nhân văn, dĩ hoá thành thiên hạ.

观乎天文, 以察时变; 观乎人文, 以化成天下.

          Đây là luận thuật “văn hoá” đầu tiên của người Trung Quốc, nhưng hai chữ “văn hoá” 文化 chưa đi liền với nhau. Ý của câu là, kẻ thống trị thông qua quan sát thiên tượng có thể hiểu được sự biến hoá thuận theo thứ tự của thời tiết; thông qua quan sát các hiện tượng của xã hội nhân loại, có thể dùng cách cảm hoá giáo dục để trị lí thiên hạ.

          Đời Hán xuất hiện từ “văn hoá”, nhưng đối với hàm nghĩa của nó, sự giải thích của nhiều người hoàn toàn không nhất trí. Lưu Hướng 刘向 trong Thuyết Uyển – Chỉ võ 说苑 - 指武 nói rằng:

Phàm võ chi hưng, vị bất phục dã; văn hoá bất cải, nhiên hậu gia tru.

          凡武之兴, 为不服也; 化不改, 然后加诛

(Phàm sự hưng khởi của võ lực đều là vì có người không phục; văn đã giáo hoá mà không thể cải biến, thì phải tru diệt)

          Người đời Tấn trong Bổ vong thi – Do nghi 补亡诗 - 由仪 cũng nói:

Văn hoá nội tập, võ công ngoại du

文化内辑, 武功外悠

          Ở đây đều chỉ một khái niệm đối lập với thủ đoạn quân sự của quốc gia (tức võ công), tức thủ đoạn văn giáo trị lí. Khổng Dĩnh Đạt 孔颖达 đời Đường thì có kiến giải khác, ông trước lúc giải thích khi dẫn lời trong Chu Dịch 周易 cho rằng:

Thánh nhân quan sát nhân văn, tắc thi thư lễ nhạc chi vị.

圣人观察人文, 则诗书礼乐之谓

(Thánh nhân quan sát nhân văn (các hiện tượng văn hoá của xã hội nhân loại) là nói thi, thư, lễ nhạc (lấy đó để giáo hoá).)

          Thực tế này là nói, văn hoá của xã hội nhân loại chủ yếu là chỉ văn học nghệ thuật và phong tục lễ nghi, những thứ thuộc kiến trúc thượng tầng. Người xưa đối với tính quy định này của khái niệm “văn hoá” 文化, bắt đầu từ thời Hán Đường, ảnh hưởng mãi đến thời Minh Thanh. Nhân đó, Cố Viêm Vũ 顾炎武trong Nhật tri lục 日知录 nói rằng:

          Tự thân nhi chí vu gia quốc thiên hạ, chế chi vi độ số, phát chi vi âm dung, mạc phi văn dã.

          自身至于国家天下, 制之为度数, 发之为音容, 莫非文也.

          (Từ bản thân cho đến người trong thiên hạ, chế định ra làm độ số, phát ra làm thanh âm và dung mạo, không gì là không phải “văn”)

          Tức sự biểu hiện hành vi của bản thân và các loại chế độ của quốc gia, đều thuộc về phạm trù “văn hoá”. Có thể thấy, khái niệm “văn hoá” của Trung Quốc cổ đại, chỉ loại ở bề mặt tinh thần của nghĩa hẹp.

          Từ “văn hoá” của phương Tây, bắt nguồn từ Cultura trong tiếng La tinh, ý nghĩa của nó là trồng trọt, cư trú, luyện tập, chú ý v.v... Từ Culture trong tiếng Pháp cũng mang ý nghĩa vun bón, trồng trọt, nhưng lại dẫn đến ý nghĩa rèn luyện tính tình con người và bồi dưỡng phẩm đức. Ý nghĩa ở đây bao hàm hai lĩnh vực  từ sản xuất vật chất của con người đến sản xuất tinh thần. Có thể thấy, hàm nghĩa “văn hoá” của phương Tây so với hàm nghĩa “văn hoá” của Trung Quốc rộng hơn nhiều. Nửa cuối thế kỉ 19, trong quyển Nguyên thuỷ văn hoá 原始文化 của nhà văn hoá học người Anh Thái Lặc 泰勒 (1), là trứ tác nghiên cứu sự phát triển về thần thoại, triết học, tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật và tập tục. Thái Lặc đã cấp cho “văn hoá” một định nghĩa, nói rằng nó là “ một chỉnh thể phức tạp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật tập tục và hành vi của một người nào đó được xem là một thành viên của xã hội mà năng lực có được và tập quán trong đó. Quan điểm này có ảnh hưởng rất lớn, có tác dụng mở đường về phương diện nghiên cứu văn hoá sử. Đến hiện nay, vẫn còn có thể tham khảo để chúng ta hiểu và nhận thức về “văn hoá”. Về sau, người ta đã dùng lí giải và nhận thức của riêng mình để định nghĩa về “văn hoá”. Trong đó, định nghĩa trọng về tính lịch sử, có định nghĩa trọng về tính quy phạm, có định nghĩa trọng về tính tâm lí, có định nghĩa trọng về tính kết cấu, có định nghĩa trọng về tính di truyền v.v...  Cho đến ngày nay, định nghĩa về văn hoá có nhiều đến cả trăm.

          Lí luận gia chủ nghĩa Mác đối với “văn hoá” đã có sự giải thích mới, tức đem “văn hoá” phân thành hai loại đó là nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Như nhà triết học Liên Xô  La Sâm Tháp Nhĩ . Vưu Kim 罗森塔尔 . 尤金 (2) trong quyển Triết học tiểu từ điển 哲学小辞典 do ông biên soạn, cho rằng:

Văn hoá là sự tổng hoà của cải vật chất và của cải tinh thần mà nhân loại sáng tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sử xã hội. Từ ý nghĩa tương đối hẹp mà nói, văn hoá chính là sự tổng hoà hình thức phát sinh và phát triển cuộc sống tinh thần xã hội trên cơ sở phương thức sản xuất tư liệu vật chất nhất định trong lịch sử.

          Từ điển Từ Hải 辞海 do Trung Quốc xuất bản năm 1979, về cơ bản đã tiếp nhận cách nói này. Nhưng không phải mọi người đều đồng ý với quan điểm đó, đối với định nghĩa về văn hoá vẫn còn tồn tại nhiều tranh luận. Điều đó không phải là nói văn hoá có nhiều phức tạp mà là cho thấy rõ văn hoá có nhiều tầng bậc, dùng ngôn ngữ giản lược để khái quát là việc rất khó khăn. .....

                                                                               (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Thái Lặc 泰勒: Tức Tylor, tên đầy đủ là Edward Burnett Tylor, sinh năm 1832 mất năm 1917.

2- La Sâm Tháp Nhĩ . Vưu Kim 罗森塔尔 . 尤金: Tức RozentaliMark Moiseevich, sinh năm 1906 mất năm 1975.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 16/4/2021

Nguyên tác Trung văn

VĂN HOÁ DỮ TRUNG QUỐC VĂN HOÁ

文化与中国文化

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017

 

Previous Post Next Post