Dịch thuật: Ngọc tỉ truyền quốc lưu lạc nơi nào

 

NGỌC TỈ TRUYỀN QUỐC LƯU LẠC NƠI NÀO 

          Tỉ là bảo ấn của đế vương phong kiến thời cổ Trung Quốc. Còn ngọc tỉ truyền quốc không nghi ngờ gì nó là quý nhất trong số các bảo tỉ, từ mấy ngàn năm nay truyền thuyết liên quan đến nó không truyền thuyết nào là không đầy màu sắc thần bí. Ngọc tỉ này được gọi là “truyền quốc tỉ” 传国玺, có liên quan đến Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 trong lịch sử.

          Từ khi Biện Hoà 卞和 phát hiện ra Hoà thị bích 和氏璧 (ngọc bích họ Hoà), nó luôn là trọng khí của vương thất nước Sở. Về sau Sở Vương đem nó tặng cho đại thần. Từ đó Hoà thị bích không biết đi đâu. Sau này Hoà thị bích lưu truyền đến nước Triệu. Viên Hoà thị bích này khi tại nước Triệu đã dẫn đến một vở kịch lịch sử nổi tiếng, đồng thời lưu lại thành ngữ “Hoàn bích quy Triệu” 完璧归赵. Sau Tần diệt Triệu, Hoà thị bích cuối cùng rơi vào tay Tần Vương. Tần Thuỷ Hoàng đem Hoà thị bích ấn định làm truyền quốc tỉ, lệnh Thừa tướng Lí Tư 李斯 khắc trên ngọc mấy chữ “Thụ mệnh vu thiên, kí thọ vĩnh xương” 受命于天既寿永昌 (đã nhận mệnh từ trời làm hoàng đế, thì phải làm cho lê dân được trường thọ, quốc vận mãi xương thịnh), hi vọng đời đời truyền nhau, không ngờ đến tay Tần Nhị Thế 秦二世 thì mất nước. Lưu Bang 刘邦sau khi vào Hàm Dương 咸阳, Tử Anh 子婴  “dâng Thuỷ Hoàng tỉ”, Lưu Bang xưng đế “phục chi, đại đại tương thụ” 服之, 代代相受 (đeo nó, nối đời truyền nhau), lại đem “Tần truyền quốc tỉ” ngự định làm “Hán truyền quốc tỉ”. Đến cuối thời Tây Hán, ngoại thích Vương Mãng 王莽 soán vị. Hoàng đế đương thời Lưu Anh 刘婴 mới 2 tuổi, truyền quốc tỉ do Hán Hiếu Nguyên Thái Hậu 汉孝元太后thay mặt giữ. Một lần nữa truyền quốc ngọc tỉ thất lạc là vào cuối thời Đông Hán. Lúc bấy giờ chính cục động loạn, Hán Thiếu Đế 汉少帝 suốt đêm tháo chạy, truyền quốc tỉ lạc trong cung, khi quay trở về đã không còn thấy truyền quốc tỉ. Chẳng bao lâu, Thái thú Trường Sa 长沙 Tôn Kiên 孙坚lúc chinh phạt Đổng Trác 董卓, đã tìm thấy ngọc tỉ truyền quốc này trong giếng ở Chân cung 甄宫 phía nam thành Lạc Dương 洛阳.

          Từ đó về sau mãi cho đến đời Đường, theo chiến cục động loạn và dân tộc thiểu số tiến xuống phía nam, truyền quốc ngọc tỉ không ngừng thay chủ. Đường Cao Tổ Lí Uyên 李渊sau khi được truyền quốc ngọc tỉ, đem “tỉ” đổi thành “bảo” . Truyền quốc ngọc tỉ trong lịch sử cuối cùng mất tung tích là vào thời Ngũ Đại. từ thời Tống Thái Tổ, đã không có ai nhìn thấy truyền quốc ngọc tỉ có khắc câu  “Thụ mệnh vu thiên, kí thọ vĩnh xương”.

          Nhưng, ghi chép liên quan việc phát hiện truyền quốc ngọc tỉ lại không ngừng có ở các sách. Như năm Thiệu Thánh 绍圣thứ 3 thời Bắc Tống (năm 1096), Hàm Dương Đoàn Nghĩa 段义 tại làng Hà Nam 河南 khi khai quật mộ địa đã đào được một bảo ấn “bối li nữu ngũ bàn” 背螭纽五盘 (trên lưng có núm hình con li cuộn 5 vòng). Trải qua sự giám định của hơn 10 vị Hàn lâm học sĩ, cho rằng “đúng là truyền quốc tỉ của triều Tần”. Đầu đời Thanh, theo truyền thuyết trong cung có cất chiếc ngọc tỉ “Thụ mệnh vu thiên, kí thọ vĩnh xương”. Nhưng, ngọc tỉ này được người đương thời gọi là bảo tỉ truyền quốc tỉ lại gặp phải sự lãnh đạm của hoàng đế Càn Long 乾隆. Hoàng đế cho rằng đó là giả, xem ra cái mà gọi là truyền quốc ngọc tỉ cũng là nguỵ tạo mà ra, không phải là quốc bảo chân chính.

          Thế thì, truyền quốc tỉ chân chính lưu lạc nơi nào? Mãi đến nay cũng chưa phát hiện được.

                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                       Quy Nhơn 14/4/2021 

Nguồn

TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ

中国未解之谜

Tác giả: Hải Tử 海子

Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post