Dịch thuật: Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi (2790) ("Truyện Kiều")

 

GHI LÒNG ĐỂ DẠ, CẤT MÌNH RA ĐI (2790)

          Ghi lòng để dạ: Tức “Khắc cốt minh tâm” 刻骨铭心, cũng nói là “Minh tâm khắc cốt” 铭心刻骨, “Minh cơ lũ cốt” 铭肌镂骨, hoặc “Minh khắc tâm cốt” 铭刻心骨  thường được dịch là “Ghi lòng tạc dạ”, cũng được dịch là “Tạc dạ ghi xương”, “Khắc xương chép dạ”.

          Trong Ấu học quỳnh lâm – Thân thể loại 幼学琼林 - 身体类 có ghi:

Cảm bội bất vong, viết khắc cốt minh tâm.

感佩不忘,曰刻骨铭心

(Cảm kích luôn ghi nhớ trong lòng gọi là “khắc cốt minh tâm”)

          Trong Hồng lâu mộng 红楼梦 của Tào Tuyết Cần 曹雪芹, hồi thứ 32 có ghi:

          Sở bi giả, phụ mẫu tảo thệ, tuy hữu minh tâm khắc cốt chi ngôn, vô nhân vị ngã chủ trương.

          所悲者, 父母早逝, 虽有铭心刻骨, 无人为我主张

          (Điều mà tôi đau buồn, ấy là cha mẹ mất sớm, tuy có những lời ghi lòng tạc dạ, nhưng không có ai chủ trương cho tôi)

          Và trong Thướng An Châu Lí trưởng sử thư 上安州李长史书 của Lí Bạch 李白 có câu:

Minh khắc tâm cốt, thoái tư cuồng khiên

铭刻心骨,退思狂愆

(Ghi lòng tạc dạ, lúc lui về nghĩ đến những lỗi ngông cuồng của mình) 

Mấy lời ký chú đinh ninh

Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi

(“Truyện Kiều” 2789 - 2790)

Ghi lòng để dạ: Ghi trong lòng, để trong dạ để nhớ mãi.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: “Ghi lòng để dạ” theo ý riêng, xuất xứ từ thành ngữ “khắc cốt minh tâm”,  mang ý nghĩa là ghi nhớ kĩ trong lòng.

Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 2790 là:

NỖI LÒNG MÌNH LẠI cất mình ra đi

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 15/4/2021

 

Previous Post Next Post