Dịch thuật: Hỉ thần truyền thuyết - Mãn tộc Hỉ thần

 

HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT

MÃN TỘC HỈ THẦN

          Mãn tộc 满族có nền văn hoá xán lạn lâu đời, trong đó, yêu thích và sùng bái điểu là một trong những đặc trưng của văn hoá Mãn tộc. Trong sự sùng bái điểu của Mãn tộc, sùng bái chim Hỉ thước 喜鹊 là nổi bật. Trong truyền thuyết thần thoại của dân gian Mãn tộc tồn tại hình tượng chim Hỉ thước rất phong phú,  còn tôn chim Hỉ thước làm Hỉ thần.

          Mãn tộc cho rằng, chim Hỉ thước có năng lực tiên tri tiên giác, tính cảnh giác của chim Hỉ thước khiến cho nó có công năng dự báo các việc. Nhân đó, trong truyền thuyết thần thoại của Mãn tộc xuất hiện rất nhiều hình tượng người chỉ dẫn là chim Hỉ thước.

          Trong Đa Vưu Cách Cách 多尤格格, Đa Vưu Cách Cách muốn tìm một người có khả năng chế phục đại bàng yêu tinh, lúc bấy giờ một con chim Hỉ thước trắng như tuyết nói được tiếng người đã chỉ điểm bến mê cho Cách Cách. Trong Nữ trấn định thuỷ 女镇定水, vợ chồng Hoàn Đạt 完达, Nữ Chân 女真trải qua muôn ngàn hiểm nguy đoạt về lại viên định thuỷ châu tiêu trừ thuỷ hoạn mà đã bị nghiệt long cướp mất. Trong chiến đầu, Hoàn Đạt chết đi, biến thành một ngọn núi. Hai mắt của anh biến thành hai con chim Hỉ thước, dẫn ba mẹ con nàng Nữ Chân tìm đến chiếc búa của Hoàn Đạt, đồng thời ngậm mang đến mảnh châu nói cho Nữ Chân biết viên bảo châu đã vỡ. Đôi mắt là khí quan vô cùng trọng yếu của nhân loại. Trong truyền thuyết này, đôi mắt đã biến thành chim Hỉ thước, một mặt là nhân vì sắc đen trắng trên lông chim Hỉ thước xen nhau tương đồng với sắc đen trắng của mắt người, mặt khác là đặc tính sinh vật về sự cảnh giác của chim Hỉ thước, giỏi ở chỗ thu nhận, đưa truyền tin tức khiến nó trở nên như thế. Đồng thời cũng nói rõ chim Hỉ thước có địa vị trọng yếu đối với Mãn tộc.

          Theo truyền thuyết, Chim Hỉ thước có năng lực câu thông giữa người với thần. Mãn Tộc phụng thờ Tát Mãn giáo 萨满教, cho rằng thần linh cư trú ở trên trời. Chim Hỉ thước có thể tự do ngao du giữa thiên giới với nhân giới, thế là chim Hỉ thước trở thành trợ thủ của Tát Mãn 萨满, truyền đạt tin tức cho nhân và thần. Trên vai áo Tát Mãn của tộc Đạt Oát Nhĩ 达斡尔 láng giềng với Mãn tộc lại cùng thờ phụng Tát Mãn giáo, có gắn con chim được làm bằng gỗ thông đỏ khắc thành, phần trên sơn đen, trắng, ở cổ là sắc trắng. Đem chim gỗ dùng đinh vít gắn cố định trên một mảnh thiếc mỏng có hình chữ (thập), mảnh thiếc đó được may dính ở giữa hai vai áo, đầu của hai con chim hướng vào tai của Tát Mãn để truyền đạt tin tức cho Tát Mãn. Khi thần phụ vào thân thể Tát Mãn, thần điểu sẽ chuyển động vòng tròn. Hình tượng chim có sắc đen trắng xen nhau rất giống chim Hỉ thước. Chim Hỉ thước có năng lực câu thông giữa người với thần biểu hiện trong truyền thuyết thần thoại của Mãn tộc, chính là hình tượng sứ giả Nha thước 鸦鹊.

          Trong thần thoại nổi tiếng Tam tiên nữ 三仙女 của Mãn tộc, Phật Khố Luân 佛库伦nuốt trái hồng mà Thần Thước ngậm, sinh ra tổ tiên Bố Khố Lí Ung Thuận 布库里雍顺 của Ái Tân Giác La thị 爱新觉罗氏. Thần Thước là sứ giả do trời phái xuống. Theo Thanh Thái Tổ Võ hoàng đế thực lục 清太祖武皇帝实录, dưới núi Bố Khố Lí 布库里 ở đông bắc dãy núi Trường Bạch 长白 có một hồ nước rất đẹp, tên là hồ Bố Nhĩ Lí 布尔里, ba tiên nữ từ trời giáng xuống tắm gội trong hồ. Cô tiên lớn nhất tên là Ân Khố Luân 恩库伦, cô thứ hai là Chính Khố Luân 正库伦, cô thứ ba là Phật Khố Luân 佛库伦. Lúc tắm xong lên bờ, một con Thần Thước ngậm trái hồng nhả lên y phục của Phật Khố Luân. Màu sắc của trái tươi đẹp lạ thường, Phật Khố Luân thích đến mức không nỡ rời tay, thế là ngậm trái hồng trong miệng. Lúc vừa mới mặc y phục, không ngờ trái hồng lăn xuống bụng, Phật Khố Luân lập tức cảm thấy mình đã có thai, vì thế không thể cùng hai người chị bay về trời. Chẳng bao lâu, Phật Khố Luân sinh được một đứa con, đứa con này vừa mới sinh đã biết nói, tướng mạo lại dị thường, cử chỉ kì lạ, đó chính là Bố Khố Lí Ung Thuận布库里雍顺, tổ tiên Ái Tân Giác La 爱新觉罗  sớm nhất của triều Thanh .....

                                                                                      (còn tiếp)

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                           Quy Nhơn 22/4/2021

Nguồn

MÃN TỘC HỈ THẦN

满族喜神

Trong quyển

ĐỒ THUYẾT HỈ VĂN HOÁ

图说喜文化

Tác giả: Ân Vĩ 殷伟, Trình Kiến Cường 程建强

Bắc Kinh: Thanh Hoa đại học xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post