Dịch thuật: Dây loan xin nối cầm lành cho ai (2582) ("Truyện Kiều")

 

DÂY LOAN XIN NỐI CẦM LÀNH CHO AI (2582)

          Dây loan: Dây đàn đã đứt dùng keo loan gắn lại. “Keo loan” tức “loan giao” 鸾胶 / 鸞膠, điển xuất từ thần thoại Trung Quốc. Theo Hải nội thập châu kí – Phụng lân châu 海内十州记 - 凤麟州 có chép: Châu Phụng Lân nơi Tây Hải có nhiều tiên nhân. Tiên nhân trên châu dùng mỏ chim phụng và sừng kì lân nấu thành một loại keo. Loại keo này có thể nối dính dây cung hoặc dây đàn bị đứt, khiến dây trở lại như xưa. Người ta gọi loại keo này là “tục huyền giao” 续弦胶 hoặc “loan giao” 鸾胶.

Trong Hán Vũ Đế ngoại truyện 汉武帝外传có chép:

          Tây hải hiến loan giao, Vũ Đế huyền đoạn, dĩ giao tục chi, huyền lưỡng đoan toại lưỡng trước. Chung nhật xạ, bất đoạn. Đế đại duyệt.

          西海献鸾胶, 武帝弦断, 以胶续之, 弦两端遂两著. 终日射, 不断. 帝大悦.

          (Vùng Tây hải dâng keo loan, dây cung của Vũ Đế bị đứt, Vũ Đế dùng keo nối lại, hai dầu dây bèn bám chặt. Bắn cả ngày cũng không đứt nữa. Đế cả mừng.)

          https://baike.baidu.com/item/%E9%B8%BE%E8%83%B6

          “Loan giao” hoặc “keo loan” về sau được dùng để ví người đàn ông tục hôn. Thành ngữ “loan giao tái tục” 鸾胶再续, “loan giao phụng ti” 鸾胶凤丝  cũng dùng với ý này.

Dạy rằng hương lửa ba sinh

Dây loan xin nối cầm lành cho ai

(“Truyện Kiều” 2581 – 2582)

Dây loan: Tức là dây đàn đứt dùng keo loan để nối lại.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Câu 2582 ý nói Từ Hải giờ đã chết, Hồ Tôn Hiến nói muốn gả Thuý Kiều cho người đàn ông khác. Trong “Truyện Kiều đối chiếu” của Phạm Đan Quế, xuất bản năm 1991 có ghi:

          “Nói xong Hồ cho điều tra thấy viên tù trưởng Vĩnh Thuận hiện không có vợ, bèn đem Thuý Kiều gả cho viên ấy rồi hạ lệnh ban sư.”

         (Bản dịch KIM VÂN KIỀU – THANH TÂM TÀI TỬ của Tô Nam – Nguyễn Đình Diệm).

Theo http://m.n6xsw.com/view.asp?id=3170508 chép là:

          Nãi triệu sở điệu Vĩnh Thuận tù trưởng, vấn kì vô thê giả, dĩ Kiều tứ chi.

          乃召所调永顺酋长, 问其无妻者, 以翘赐之.  

          (Bèn triệu tù trưởng Vĩnh Thuận đến, hỏi biết anh ta không có vợ, liền ban Kiều cho anh ta.)

          Như vậy theo ý riêng, câu 2582 trong “Truyện Kiều” Nguyễn Du dùng “cầm lành” ở đây để ví người đàn ông chưa vợ. 

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                      Quy Nhơn 08/4/2021

Previous Post Next Post