Dịch thuật: Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh (1944) ("Truyện Kiều")

 

GIỌT CHÂU TẦM TÃ ĐẪM TRÀNG ÁO XANH (1944)

          Bạch Cư Dị 白居易 thời Đường trong bài Tì bà hành 琵琶行, ở đoạn cuối viết rằng:

Kim dạ văn quân tì bà ngữ

Như thính tiên nhạc nhĩ tạm minh

Mạc từ cánh toạ đàn nhất khúc

Vị quân phiên tác “Tì bà hành”

Cảm ngã thử ngôn lương cửu lập

Khước toạ xúc huyền huyền chuyển cấp

Thê thê bất tự hướng tiền thanh

Mãn toạ trùng văn giai yểm khấp

Toạ trung khấp há thuỳ tối đa

Giang Châu Tư mã thanh sam thấp

今夜聞君琵琶語

如聽仙樂耳暫明

莫辭更坐彈一曲

為君翻作琵琶行

感我此言良久立

卻坐促弦弦轉急

淒淒不似向前聲

滿座重聞皆掩泣

座中泣下誰最多

江州司馬青衫濕

(Đêm nay nghe được khúc nhạc tì bà do nàng đàn

Như nghe được nhạc tiên, tai ta phút chốc bỗng bừng rõ hơn

Chớ chối từ, hãy ngồi xuống đàn thêm một khúc nữa

Ta sẽ vì nàng viết khúc “Tì bà hành”

Nghe mấy lời của ta, nàng cảm động đứng mãi hồi lâu

Rồi ngồi xuống lên dây đàn, âm điệu nghe gấp gáp

Tiếng đàn lúc này thê thiết hơn, không giống như lúc nãy

Khiến người chung quanh nghe lại, đều che mặt khóc

Trong số những người đó ai là người khóc nhiều nhất

Chàng Tư mã Giang Châu nước mắt thấm ướt cả vạt áo xanh) 

Sụt sùi, giở nỗi đoạn trường

Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh.

(“Truyện Kiều” 1943 – 1944)

Tràng: Tràng áo, tức là vạt áo. Do chữ Hán là “tràng”. Vốn có từ “áo tràng vạt” nghĩa là áo vạt dài, do phép chuyển nghĩa, từ tràng chuyển dùng để chỉ vạt áo.

Áo xanh: Dịch chữ Hán thanh sam là áo của người nho sĩ (Từ nguyên). Khi cái áo xanh là áo của đầy tớ gái thì Nguyễn Du dùng chữ Thanh y.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Tỳ bà hành: Tựu trung khấp hạ thuỳ tối đa, Giang châu Tư mã thanh sam thấp.

          琵琶行: 就中泣下誰最多江州司馬青衫濕

          (Khúc tỳ bà: Trong bọn ai là kẻ khóc nhiều hơn, chàng Tư mã Châu Giang nước mắt thấm ướt áo xanh)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)   

Xét: “Áo xanh” chữ Hán là “thanh sam” 青衫,  phục sức của quan văn bát phẩm, cửu phẩm đời Đường. Bạch Cư Dị đương thời quan giai là Tùng cửu phẩm nên mặc “thanh sam”.

Câu 1944 này, theo ý riêng Nguyễn Du lấy ý từ câu “Giang Châu Tư mã thanh sam khấp” trong bài Tì bà hành của Bạch Cư Dị.

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, hai câu 1943 và 1944 là:

Sụt sùi, KỂ nỗi đoạn TRÀNG

Giọt châu tầm tã ĐƯỢM CHÀNG  áo xanh.

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, hai câu này là:

Sụt sùi, KỂ nỗi đoạn trường

Giọt châu tầm tã ƯỚT tràng áo xanh

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 21/10/2020

Previous Post Next Post