Dịch thuật: Toàn Chân tổ sư Vương Trùng Dương

TOÀN CHÂN TỔ SƯ VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG 

          Theo Lịch thế chân tiên thể đạo thông giám 历世真仙体道通鉴:

          Vương Trùng Dương 王重阳, danh Triết , tự Tri Danh 知名, đạo hiệu Trùng Dương Tử 重阳子, sinh vào cuối thời Bắc Tống, là đời sau của một gia đình vọng tộc ở Hàm Dương 咸阳. Theo truyền thuyết, mẫu thân của ông nhân cảm dị mộng mà mang thai ông, nhưng mãi đến 24 tháng mới sinh ra ông. Từ nhỏ ông đã có tính cách khác thường, độc lai độc vãng, sau khi thành niên, tướng mạo hùng vĩ, râu dài mắt lớn, khí vũ hiên ngang, phong lưu tiêu sái. Tài năng ông mẫn tiệp, học thức uyên bác, từng giữ một chức quan nhỏ giống như lại viên trong nhiều năm.

          Thời đại mà Vương Trùng Dương sống, là thời mà hai triều Kim Tống giao chiến không ngừng, xã hội động loạn, cuộc sống của bách tính cực kì thống khổ. Là một tiểu quan lại, ông rất đồng tình với bách tính, lại trọng nghĩa sơ tài, cho nên rất được người ta yêu mến.

          Một năm nọ, Hàm Dương phát sinh nạn mất mùa nghiêm trọng, bách tính chết đói vô số, thậm chí đến mức người ăn thịt người. Nhà Vương Trùng Dương giàu có nhất vùng, tổ phụ của ông thấy tình cảnh đó bèn lấy lương thực có dư trong nhà đem ra cứu tế nạn dân. Nhân vì lương thực không nhiều lắm cho nên chỉ tiếp tế được một số nhà phụ cận. Nạn dân ở nơi xa sau khi nghe nói cũng tụ tập về, thấy không có lương thực liền cướp tài sản nhà ông. Những hộ chung quanh 300 dặm đồng thời cũng bị tai ương. Phủ quan tiếp nhận được báo cáo, lập tức triển khai truy bắt, bắt những người cầm đầu đem về quy án, đồng thời chuẩn bị xử trọng hình. Vương Trùng Dương lập tức ra mặt nói rằng:

          - Những người này chẳng qua là do mất mùa nhặt chút gì bên đường  mà thôi. Tôi không nhẫn tâm nhìn thấy họ vì chuyện đó mà bị xử tử.

          Quan viên địa phương thấy ông có lòng từ bi như thế cũng cảm động. Thế là phóng thích toàn bộ. Chúng nhân khâm phục phẩm đức lương thiện của ông. Đối mặt với xã hội động loạn, Vương Trùng Dương cảm thấy bản thân mình về văn thì không thể làm quan, về võ thì không thể an bang, trong lòng ông vô cùng khổ sở. Thế là ông suốt ngày uống rượu làm thơ, phóng đãng hình hài, giả ngây giả dại, tự xưng “Vương Hại Phong” 王害风, “Hoạt Tử Nhân” 活死人.

          Ngày nọ, ông đến uống rượu trong một quán rượu ở trấn Cam Hà, đương lúc uống đến độ ngà ngà, bỗng phát hiện có hai người tướng mạo khí chất đều rất kì dị đang đi trên đường, ông liền theo sau. Hai người thấy Vương Trùng Dương cứ đi theo, bèn không ngăn được tình cảm nói rằng:

          - Thằng nhỏ này có thể dạy được.

          Thế là hai người gọi Vương Trùng Dương đến bên cạnh, đem bí quyết tu tiên trao cho ông, sau đó nhẹ nhàng đi mất. Hoá ra đó là hai vị tiên nhân, một người tên là Chung Li Quyền 钟离权, một người tên là Lã Động Tân 吕洞宾. Vương Trùng Dương cũng ý thức được hai người đó nhất định là tiên nhân, sau khi trở về lập tức theo bí quyết đó mà tu luyện, quả nhiên có hiệu nghiệm rất nhanh. Năm sau, Vương Trùng Dương gặp lại Chung Li Quyền và Lã Động Tân tại Lễ Tuyền 醴泉. Hai người lại trao cho Vương Trùng Dương 5 thiên bí ngữ tu luyện, đồng thời dặn rằng sau khi học thuộc nên thiêu huỷ đi.

          Về sau, Vương Trùng Dương bỏ nhà rời con, ẩn vào Đạo môn, tự hiệu là Trùng Dương Tử. Ông đến thôn Nam Thời 南时ở núi Chung Nam 终南, đào một động huyệt sâu 1 trượng, tu đạo nơi động huyệt này. Ông gọi nơi ở này là “hoạt tử nhân mộ” 活子人墓. Sau khi ở động huyệt được 3 năm, Vương Trùng Dương đã phong bế động huyệt lại, rời khỏi thôn Nam Thời, dời đến thôn Lưu Tưởng 刘蒋ở núi Chung Nam cất một gian nhà tranh tiếp tục tu đạo. Bốn năm sau, ông lại thiêu huỷ gian nhà tranh, rời khỏi núi Chung Nam. Từ đó về sau, Vương Trùng Dương bắt đầu vân du khắp nơi, sáng lập giáo phái thu nhận đồ đệ để sinh nhai. Trên đường đi, ông luôn mang theo một bầu rượu, từng có người uống qua rượu trong chiếc bầu đó, cảm thấy mùi hương khác lạ dị thường.

          Về sau, ông đến núi Côn Luân 昆仑, trong  một lần đào động huyệt, bỗng có một tảng đá từ trên đỉnh núi đang lăn xuống, người bên cạnh hoảng sợ. Ông vừa nhìn thấy biết là chẳng hay liền hét to, tảng đá đó lập tức dừng lại, treo giữa lưng chừng không không hề lay động. Chẳng bao lâu, Vương Trùng Dương theo lời mời đến trú tại Kim Liên đường 金莲堂. Mỗi khi đêm xuống, người ta đều thấy ở Kim Liên đường phát ra thần quang, khiến đường thượng đường hạ của Kim Liên đường sáng như ban ngày. Lúc đầu, người ta đều cho là phát hoả, vội vàng mang nước đến, kết quả phát hiện Vương Trùng Dương đang ngồi ngay ngắn trong ánh sáng.

          Đương thời, có Mã Ngọc 马钰, Đàm Xử Thuỵ 谭处瑞, Khâu Xử Cơ 丘处机 theo ông học đạo. Sau này Vương Trùng Dương dẫn họ đến Đại Lương 大梁, trú trong một lữ điếm. Một ngày nọ vào lúc nửa đêm, Vương Trùng Dương bỗng nhiên gọi các đồ đệ, nói cho họ biết rằng:

          - Ta sắp trở về rồi.

          Các đồ đề phục xuống đất đau buồn không dứt. Ông đứng dậy dặn dò các đồ đệ lần cuối cùng, sau đó tự đọc bài tụng đạo:

Địa Phế Trùng Dương Tử

Danh hô Vương Hại Phong

Lai thời trường nhật nguyệt

Khứ hậu nhậm tây đông.

Tố bạn vân hoà thuỷ

Vi lân hư dữ không

Nhất linh chân tính tại

Bất dữ chúng tâm đồng

地肺重阳子

名呼王害风

来时长日月

去后任西东

做伴云和水

为邻虚与空

一灵真性在

不与众心同

(Trùng Dương Tử nơi núi Địa Phế

Tên gọi là Vương Hại Phong

Lúc đến dài lâu cùng nhật nguyệt

Khi đi bất kể hướng tây đông

Làm bạn cùng mây nước

Láng giềng là hư không

Nhất linh chân tính luôn tồn tại

Khác với tâm của mọi người)

          Đọc xong bài tụng đạo, ông bỗng đi lên cõi tiên, hưởng niên 58 tuổi.

                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                            Quy Nhơn 20/10/2020

Nguyên tác Trung văn

TOÀN CHÂN TỔ SƯ VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG

全真祖师王重阳

Trong quyển

ĐẠO KINH CỐ SỰ

道经故事

Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉

                                                    Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002 

Previous Post Next Post