Dịch thuật: Tại sao gọi ăn thịt là "đả nha tế"

TẠI SAO GỌI ĂN THỊT LÀ “ĐẢ NHA TẾ”

          Trong Nho lâm ngoại sử 儒林外史 hồi thứ 18 có một đoạn liên quan đến “đả nha tế” 打牙祭:
          Nhóm người hầu bàn bình thường mỗi ngày chỉ là bữa cơm nhỏ, mồng 2, 16 cùng với tiệm được ăn “nha tế nhục”.
          Xem ra, “đả nha tế” 打牙祭 chính là ăn “nha tế nhục” 牙祭肉. Thế thì, tại sao mọi người lại nói ăn thịt là “đả nha tế”?, nó có liên quan gì đến tế tự không?
          “Đả nha tế” có thể nói là sản vật kết hợp giữa văn hoá tế tự và hiện thực xã hội. Người xưa rất xem trọng hoạt động tế tự. Gặp lúc tết hoặc ngày lễ, mọi người đều phải cúng tế thần minh trên trời hoặc người thân đã qua đời. Có món ngon đương nhiên trước tiên phải chia cho thần minh, tổ tiên ăn, để cầu được bảo hộ. Trong tế tự thời cổ, trâu dê heo là tế phẩm thường thấy, hoàng gia tế tự trâu dê heo nguyên cả con, như vậy bách tính thường dân nhất định sẽ không làm được. Cho nên, bách tính đặt một miếng thịt trước thần khám hoặc linh vị tổ tiên, thắp hương thắp đèn, hoá vàng để tế cáo.
          Mọi người cho rằng, cống phẩm tế tự là thức ăn của thần linh tổ tiên, người ăn vào rất may mắn, cho nên, hoàng đế thường đem thịt tế phân chia cho các vương công đại thần. Câu chuyện phân chia thịt tế, trong sử sách không ngừng được ghi chép. Tục này lưu truyền đến dân gian, gia trưởng thường đem cống phẩm đã tế thần minh, tổ tiên phân chia cho người trong nhà. Trước đây, mức độ sống của mọi người không cao, hơn nữa thịt lại rất đắt, bình thường ăn thịt là xa xỉ, chỉ khi gặp lễ tết, người ta mới có thể nhân lúc cúng tế mà ăn được chút thịt. Nhân đó, cơ hội ăn thịt khó có này được mọi người gọi đùa là “tế nha” 祭牙 (tế răng), đó cũng chính là “đả tế nha” mà người đời sau nói.
          Theo mức độ sống ngày càng nâng cao, việc ăn thịt đã không còn là xa xỉ đối với bách tính. Cách nói “đả nha tế” cũng dần bị người ta nhạt hoá. Nhưng trong lòng những người lớn tuổi, “đả nha tế” lại chứa đựng lịch sử thời đại, nó như ghi chép lại cuộc sống của họ ở những ngày tháng đó.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 13/8/2020

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post